U trực tràng là bệnh lý thường gặp xảy ra ở trực tràng. Đa số các khối u thường là lành tính và ít gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại có khả năng diễn tiến thành u ác tính, dẫn đến ung thư. Việc hiểu rõ về bệnh lý này sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa và điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe.
Bạn đang đọc: U trực tràng và những điều bạn cần biết
U trực tràng là khối u hình thành và phát triển ở bề mặt lớp niêm mạc trong trực tràng. Đây là bệnh lý khá phổ biến thường xảy ra ở cả nam và nữ. U trực tràng có thể là lành tính hoặc ác tính. Khi tiến triển thành u ác tính sẽ gây ung thư trực tràng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Để tìm hiểu cụ thể hơn về khối u ở trực tràng, hãy tham khảo qua bài viết này nhé!
Tìm hiểu tổng quan về u trực tràng
Trực tràng là phần cuối của ống tiêu hóa, nơi lưu trữ chất thải và tham gia vào quá trình đào thải phân ra khỏi cơ thể thông qua hậu môn. Đồng thời, đây cũng là cơ quan dễ xuất hiện khối u nhất trên cơ thể. Phần lớn các trường hợp u trực tràng đều là lành tính, nhưng đôi khi, chúng cũng có thể tiến triển thành u ác tính dẫn đến ung thư. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Khối u lành tính và khối u ác tính là hai khái niệm dùng để phân biệt khối u là ung thư (u ác) và không phải ung thư (u lành). U trực tràng cũng sẽ được phân thành 2 loại, bao gồm:
U trực tràng lành tính
U trực tràng lành tính là một loại polyp hình thành và phát triển trên bề mặt lớp niêm mạc trong trực tràng. Hầu hết các trường hợp polyp trực tràng đều không có triệu chứng hoặc có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Chảy máu khi đi đại tiện: Máu có thể dính trên giấy vệ sinh hoặc đi kèm theo phân, lượng máu ít. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của bệnh trĩ hoặc rách hậu môn.
- Thiếu máu: Tình trạng đi đại tiện ra máu xảy ra trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu máu.
- Polyp sa ra ngoài hậu môn: Một số trường hợp polyp cuống dài xuất hiện gần hậu môn có thể sa ra ngoài qua hậu môn khi đi đại tiện. Thậm chí, gây bán tắc ruột nếu polyp có kích thước lớn.
Trên thực tế, còn nhiều dạng u trực tràng lành tính khác như u mỡ, u xơ, u cơ, u mạch máu, u bạch huyết, polyp trực tràng,… Trong đó, polyp trực tràng thường xuất hiện với số lượng đơn lẻ, nhưng cũng có thể xuất hiện 2, 3 hoặc nhiều hơn khi bị đa polyp.
Ngoài ra, khối u lành tính ở trực tràng cũng có khả năng diễn tiến thành u ác tính (ung thư). Lúc này, phương pháp điều trị tốt nhất thường là phẫu thuật để loại bỏ u lành. Tuy nhiên, việc quyết định có sử dụng phẫu thuật hay không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và độ tuổi của người bệnh.
U trực tràng ác tính
U trực tràng ác tính (ung thư) thường có tốc độ phát triển rất nhanh. Thậm chí, chúng còn có khả năng di căn đến các mô, cơ quan lân cận thông qua hệ thống mạch máu và hạch bạch huyết. Một số vấn đề hoặc bệnh lý có nguy cơ dẫn đến ung thư như viêm loét trực tràng chảy máu, đa polyp,…
Khi bị ung thư trực tràng, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như chảy máu, phân có lẫn chất nhầy. Khi bệnh ở giai đoạn muộn, có thể gây ra tình trạng thiếu máu nghiêm trọng và sút cân nhanh. Đặc biệt, tình trạng tắc ruột có thể diễn ra khi khối u trực tràng phát triển kích thước quá lớn.
Nguyên nhân nào dẫn đến u trực tràng?
Có nhiều nguyên nhân gây ra u trực tràng, dưới đây là một số lý do thường gặp mà nhiều người đang mắc phải như:
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình đã từng có người mắc u trực tràng, thì những thành viên khác cũng có sẽ nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Đặc biệt là đối với những người có tiền sử bị polyp tuyến.
- Chế độ ăn uống kém lành mạnh: Người có chế độ ăn giàu đạm như thường xuyên ăn thịt và mỡ động vật, thức ăn giàu cholesterol và ít ăn những thực phẩm chứa chất xơ như rau xanh, trái cây tươi có thể làm tăng nguy cơ bị u trực tràng.
- Thói quen sinh hoạt độc hại: Việc thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích có thể sẽ làm mất cân bằng trao đổi chất. Từ đó sẽ làm rối loạn quy trình phát triển của tế bào và làm tăng nguy cơ hình thành khối u.
- Thừa cân và béo phì: Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc u trực tràng cao hơn so với những người có cân nặng bình thường.
- Các vấn đề liên quan đến đại tràng: Các bệnh viêm mô hạt, viêm loét đại trực tràng hoặc u lành tính có kích thước lớn cũng có thể diễn tiến thành u trực tràng ác tính.
Tìm hiểu thêm: Dây hãm bao quy đầu là gì? Chức năng và các tổn thương thường gặp
Chẩn đoán và điều trị u trực tràng
Để xác định kích thước và vị trí khối u trực tràng, có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính. Tuy nhiên, để xác định khối u ở trực tràng là ác tính hay lành tính, người bệnh cần phải thực hiện sinh thiết.
Khi có kết quả sinh thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành các chẩn đoán sâu hơn để đánh giá giai đoạn và mức độ lây lan của khối u. Dựa trên thông tin này sẽ có thể đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.
Đối với u trực tràng lành tính
U trực tràng lành tính có thể được kiểm soát tạm thời bằng một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc này chỉ mang tính tạm thời và khối u sẽ nhanh chóng phát triển lại khi ngưng sử dụng thuốc.
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ. Các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi qua hậu môn để tiến hành loại bỏ khối u mà không gây đau đớn cho người bệnh. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng mà không cần nằm viện lâu ngày.
Đối với u trực tràng ác tính (ung thư trực tràng)
Phương pháp điều trị cho u trực tràng ác tính phụ thuộc vào kích thước của khối u và giai đoạn của ung thư. Trước khi đưa ra quyết định về điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên loại u (u lành hay u ác tính), giai đoạn tiến triển, mức độ nguy hiểm và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Từ đó, sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
- Phẫu thuật: Người bệnh sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ những thương tổn tiền ung thư, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh. Trường hợp bệnh đã tiến triển thành ung thư, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật tạm thời hay phẫu thuật triệt để.
- Hóa trị: Hóa trị liệu là phương pháp điều trị bằng cách sử dụng thuốc để gây độc tế bào ác tính trong cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp có thể gây tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, suy giảm miễn dịch và nguy cơ nhiễm trùng máu.
- Xạ trị: Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào u trực tràng. Phương pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, kích ứng da và liệt dương.
Biện pháp phòng ngừa bệnh u trực tràng
Phòng ngừa u trực tràng là một phần quan trọng của việc duy trì sức khỏe tổng thể. Dưới đây là một số cách bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc u trực tràng:
- Ăn một chế độ ăn lành mạnh: Nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm có nhiều chất xơ. Hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn.
- Hạn chế ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn: Có thể thay thế thịt đỏ bằng cá, gà, hạt hướng dương và các nguồn protein thực vật khác. Hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt muối và thịt nguội.
- Duy trì cân nặng lành mạnh: Hãy duy trì cân nặng ở mức hợp lý thông qua chế độ ăn và vận động để giảm nguy cơ mắc u trực tràng.
- Tập thể dục đều đặn: Vận động thường xuyên có thể giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể và giảm nguy cơ mắc u trực tràng. Bạn có thể dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động như đi bộ hoặc đạp xe.
- Hạn chế tiêu thụ cồn: Hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích và bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ mắc u trực tràng.
- Thực hiện kiểm tra sàng lọc định kỳ: Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có tiền sử gia đình về u trực tràng hoặc các yếu tố nguy cơ cao khác. Đối với những người trên 50 tuổi, cần xét nghiệm máu trong phân hoặc nội soi đại tràng 3 – 5 năm/lần để phát hiện sớm bệnh.
>>>>>Xem thêm: Đau đầu đau họng là biểu hiện của bệnh gì? Cách phòng ngừa tình trạng này thế nào?
Trên đây là bài viết tổng hợp các thông tin liên quan đến u trực tràng. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này để chủ động phòng ngừa và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm