Sa trực tràng là gì? Bệnh sa trực tràng có nguy hiểm không? Để giải đáp những thắc mắc này cũng như tìm hiểu rõ hơn về bệnh sa trực tràng, hãy cùng xem ngay bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Bị bệnh sa trực tràng có nguy hiểm không?
Sa trực tràng là bệnh lý về hậu môn – trực tràng khá phổ biến, thường gặp ở nhóm người trên 50 tuổi. Bệnh lý này gây không ít phiền toái cho người bệnh, đặc biệt là trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy sa trực tràng có nguy hiểm không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những thông tin liên quan đến bệnh lý này cũng như cách phòng ngừa hiệu quả, đừng bỏ lỡ nhé!
Sa trực tràng là gì?
Trước khi tìm hiểu sa trực tràng có nguy hiểm không, cần tìm hiểu sa trực tràng là gì. Trực tràng thực chất là đoạn cuối của ruột già, nối giữa đại tràng và ống hậu môn. Sa trực tràng là tình trạng xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ trực tràng bị sa xuống hoặc trượt ra ngoài qua hậu môn.
Tình trạng này thường không gây nguy hại cho sức khỏe, nhưng khiến người bệnh cảm thấy bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Khi khối sa phát triển phình to và mắc kẹt bên ngoài có thể làm tắc nghẽn hậu môn và có nguy cơ bị hoại tử. Sa trực tràng bao gồm có 2 loại chính là:
Sa trực tràng niêm mạc
Để giúp quá trình đào thải phân ra ngoài dễ dàng hơn, lớp niêm mạc của hậu môn thường sẽ bị lộn ngược lại mỗi lần đi đại tiện. Sau đó, chúng sẽ tự co lại trạng thái ban đầu nhờ tính đàn hồi. Tuy nhiên ở người bị sa trực tràng, các mô thường xuyên bị căng giãn quá mức và kéo dài trong thời gian dài. Dần dần, có thể làm mất đi tính đàn hồi và chúng không thể quay lại được.
Ban đầu, chỉ bị sa ở phần niêm mạc ống hậu môn và sẽ dần lan rộng toàn bộ niêm mạc của trực tràng. Sa trực tràng niêm mạc gồm có:
- Sa niêm mạc sau rặn và tự co lên sau khi đi đại tiện;
- Sa sau khi rặn đại tiện và không tự co lên được, phải dùng tay đẩy lên;
- Sa niêm mạc ngay cả khi thực hiện các hoạt động nhẹ như ngồi xổm, đi bộ, ho, hắt hơi;
- Sa diễn ra thường xuyên, ngay cả khi không hoạt động.
Sa toàn bộ trực tràng
Lúc này, tình trạng sa trực tràng đã diễn tiến nặng. Với trường hợp sa trực tràng mức độ nhẹ, thường chỉ có bóng trực tràng sa ra ngoài còn hậu môn vẫn giữ nguyên. Nhưng khi sa toàn bộ trực tràng, cả trực tràng và ống hậu môn đều bị lộn ra ngoài. Sa toàn bộ trực tràng gồm có 4 mức độ:
- Mức độ 1: Trực tràng chỉ bị sa ra ngoài khi rặn đi đại tiện mạnh và tự co lại nhanh chóng, không có triệu chứng gì bất thường.
- Mức độ 2: Trực tràng luôn bị sa ra ngoài khi đi đại tiện và khả năng tự co lên chậm, phải dùng tay đẩy vào. Niêm mạc xuất hiện tình trạng phù nề, hậu môn bị lõm vào.
- Mức độ 3: Trực tràng bị sa khi rặn nhẹ và không tự co lại được. Lúc này, niêm mạc tuyến của trực tràng đã bị hoại tử từng đám nhỏ, hậu môn bị mất đi trương lực, niêm mạc chảy máu và đi đại tiện mất tự chủ.
- Mức độ 4: Trực tràng sa liên tục ngay cả khi người bệnh không vận động. Niêm mạc bị loét hoại tử, cơ thắt mất trương lực, đại tiện và tiểu tiện mất kiểm soát. Lúc này, người bệnh dễ bị stress, rối loạn cảm giác và có thể mọc mụn mủ ở đáy hậu môn.
Triệu chứng của bệnh sa trực tràng
Khi bị sa trực tràng, người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện triệu chứng sau:
- Khó kiểm soát khi đi đại tiện ở nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh, phân thường có dịch nhầy;
- Cảm giác hậu môn bị tụt xuống rất khó chịu;
- Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy, thậm chí thay đổi thói quen đi tiêu bất thường;
- Xuất hiện tình trạng chảy máu trực tràng, đặc biệt là khi khi đi đại tiện;
- Bên ngoài hậu môn bị lòi một cục thịt, gây đau rát dữ dội mỗi khi đi tiêu;
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược và có cảm giác ngứa hậu môn.
Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Vì vậy, nếu thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Sa trực tràng có nguy hiểm không?
Về cơ bản, bệnh sa trực tràng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu để bệnh diễn tiến trong thời gian dài mà không đi thăm khám để có kế hoạch điều trị, bệnh sa trực tràng có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như:
- Chảy máu từ hậu môn: Đây là biến chứng thường gặp khi người bệnh sa trực tràng đi đại tiện. Nếu không chữa trị sớm có thể sẽ gây thiếu máu nghiêm trọng.
- Tắc nghẽn: Trực tràng khi bị sa ra ngoài sẽ phình to theo thời gian, điều này có thể gây tắc nghẽn ống hậu môn, làm cản trở việc đi đại tiện.
- Viêm loét trực tràng: Khối sa khi lồi ra khỏi hậu môn có thể sẽ bị tấn công bởi vi khuẩn, dẫn đến viêm loét.
- Vỡ trực tràng: Trực tràng khi bị sa xuống sẽ dễ bị tổn thương hơn khi gặp áp lực mạnh, thậm chí có thể gây vỡ trực tràng.
- Tắc ruột: Nếu trực tràng bị sa xuống cùng với ruột non có thể gây ra tình trạng tắc ruột vô cùng nguy hiểm.
- Sa tử cung: Phụ nữ khi bị sa trực tràng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng sa tử cung, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh nở và sức khỏe tổng thể.
Các biến chứng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sa trực tràng, đừng chủ quan mà hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị bệnh sa trực tràng
Phương pháp điều trị sa trực tràng sẽ được chỉ định dựa trên mức độ diễn tiến của bệnh và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Hiện nay, có 2 biện pháp điều trị chính được áp dụng là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp bệnh sa trực tràng nhẹ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh và kê đơn thuốc điều trị phù hợp. Để làm tăng hiệu quả điều trị, người bệnh sẽ được chỉ định kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần điều chỉnh lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống để giúp bệnh thuyên giảm nhanh chóng.
Tìm hiểu thêm: Cách xử lý khi mang thai ngoài ý muốn và một số biện pháp tránh thai phù hợp
Tuy nhiên, phương pháp điều trị nội khoa thường không loại bỏ triệt để căn nguyên gây bệnh và bệnh có thể tái phát sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Điều trị ngoại khoa
Đối với các trường hợp bệnh sa trực tràng nặng hoặc điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, phương pháp điều trị ngoại khoa sẽ được chỉ định. Các phẫu thuật ngoại khoa thường được áp dụng bao gồm:
- Cắt bỏ phần hậu môn đáy chậu: Phẫu thuật này sẽ loại bỏ phần trực tràng bị sa ra ngoài. Có hai phương pháp phẫu thuật phổ biến là Altemeier và Delorme.
- Cắt đại tràng sigma và cố định trực tràng: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần đại tràng sigma (đoạn ruột gần trực tràng và hậu môn nhất) và cố định trực tràng vào cấu trúc xương để không bị sa xuống nữa.
- Cố định trực tràng: Trong trường hợp này, bác sĩ chỉ cần cố định trực tràng mà không cần phải cắt đại tràng sigma .
Cách phòng ngừa bệnh sa trực tràng
Sa trực tràng không chỉ gây khó chịu mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, bệnh cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu tiến triển nặng. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số biện pháp ngăn ngừa bệnh sa trực tràng như:
- Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối dinh dưỡng, bao gồm thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh và trái cây tươi.
- Tránh các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chiên rán, đồ cay nóng. Thay vào đó, bạn có thể ăn các món luộc thanh đạm.
- Uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Khi đi vệ sinh, ngồi đúng tư thế và không nên rặn quá lâu.
>>>>>Xem thêm: Bệnh zona tai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hy vọng những chia sẻ từ bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp được cho thắc mắc sa trực tràng có nguy hiểm không. Nhìn chung, bệnh lý này sẽ không gây nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Xem thêm:
- Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không? Cách phân biệt
- Sa trực tràng ở trẻ em là gì? Có nguy hiểm không?
- Sa trực tràng kiểu túi là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm