Cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng ở thai phụ là một tình trạng hiếm gặp. Vậy làm thế nào để nhận biết cổ tử cung mở là một vấn đề đang được nhiều mẹ bầu quan tâm, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ.
Bạn đang đọc: Tại sao cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng? Làm thế nào để cổ tử cung mở nhanh?
Cổ tử cung mở là một dấu hiệu cho biết thai phụ bắt đầu chuyển dạ. Vậy làm thế nào để biết được tử cung của mẹ đã mở hay chưa? Tại sao cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng? Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin hữu ích để giải đáp thắc mắc trên và hướng dẫn một số cách để giúp tử cung mở ra nhanh hơn.
Tại sao cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng?
Hầu hết các trường hợp khi tử cung bắt đầu mở sẽ tạo ra những cơn co thắt tử cung và gây đau bụng dữ dội theo từng cơn. Tuy nhiên, ở một số ít thai phụ lại không xảy ra hiện tượng đau bụng dù cổ tử cung đã mở được 1cm. Vậy tại sao cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng? Tình trạng này thường do ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau. Khi tử cung mở mới mở được 1cm là giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ và cơn co tử cung còn yếu nên chưa đủ mạnh để gây đau bụng cho mẹ bầu.
Ở một số trường hợp thai phụ sử dụng thuốc ngủ hay chất gây nghiện ở thời kỳ mang thai cuối cũng có thể làm mất đi cảm giác đau. Khi cổ tử cung đã mở được 1cm, mẹ bầu sẽ được bác sĩ giữ lại ở bệnh viện để theo dõi quá trình chuyển dạ.
Quá trình cổ tử cung mở diễn ra như thế nào?
Đến giai đoạn từ tuần thứ 38 – 42 của thai kỳ, thai phụ có thể xuất hiện dấu hiệu của chuyển dạ bất kỳ lúc nào. Chính vì thế, mẹ bầu cần phải chú ý đến các dấu hiệu của việc bắt đầu chuyển dạ để nhập viện sớm và đảm bảo an toàn. Vậy quá trình tử cung mở diễn ra như thế nào?
Theo đó, nút nhầy ở cổ tử cung được xem là chiếc “chìa khóa” giúp cổ tử cung đóng chặt lại và giúp cho thai nhi được nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn cho đến thời điểm sinh thích hợp. Khi bắt đầu chuyển dạ, nút nhầy cổ tử cung sẽ tự động bong ra để cho cổ tử cung được mở rộng. Lúc này, dịch âm đạo sẽ bài tiết ra nhiều hơn so với bình thường.
Các cơn co thắt tử cung sẽ tăng dần lên, cổ tử cung mở rộng từ từ và mỏng dần cho đến khi mở rộng hoàn toàn 10cm để tạo điều kiện thuận lợi đầu em bé ra ngoài. Quá trình tử cung mở sẽ diễn ra theo thứ tự như sau:
- Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn này cổ tử cung mở từ 0 – 3cm;
- Giai đoạn chuyển dạ tích cực: Cổ tử cung sẽ mở từ 4 – 7cm;
- Giai đoạn chuyển tiếp: Cổ tử cung sẽ mở từ 8 – 10cm;
- Em bé sẽ chào đời khi cổ tử cung mở hoàn toàn 10cm.
Làm thế để nhận biết cổ tử cung mở?
Tuỳ vào cơ địa, tình trạng sức khỏe cũng như nhiều yếu tố khác mà tốc độ và quá trình mở cổ tử cung có thể khác nhau ở mỗi phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khi mở cổ tử cung, thai phụ sẽ có những dấu hiệu như sau:
- Xuất hiện cơn gò tử cung: Dấu hiệu đầu tiên thường là những cơn đau thắt kéo dài khoảng 30 giây và khoảng cách giữa các cơn đau là từ 5 – 10 phút.
- Bong nút nhầy cổ tử cung: Khi tử cung mở ra, nút nhầy tử cung sẽ bị bung ra và chất nhầy sẽ thoát ra bên ngoài. Chất nhầy này thường kèm theo một ít máu đỏ. Đây là tín hiệu cho thấy thai phụ chuẩn bị chuyển dạ.
- Chảy nước ối: Trong quá trình chuyển dạ, buồng tử cung sẽ tăng áp lực để đẩy thai nhi xuống. Điều này sẽ khiến cho dịch ối rỉ ra từ từ hoặc bị vỡ ối dẫn đến dòng chảy trào ra ồ ạt từ âm đạo. Nếu gần đến ngày dự sinh mà thai phụ không xuất hiện nhiều cơn gò, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật bấm ối để kích thích màng ối vỡ.
Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, thai phụ cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình em bé chào đời.
Tìm hiểu thêm: Cơ dựng sống là gì? Có chức năng gì với cơ thể?
Cổ tử cung mở 1cm sau bao lâu thì sinh?
Chắc hẳn mẹ bầu đã biết tại sao cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng. Vậy cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng sau bao lâu thì sinh?
Tuỳ vào mỗi người mà thời gian cổ tử cung bắt đầu mở cho đến khi mở rộng hoàn toàn sẽ khác nhau. Hầu hết các trường hợp chuyển dạ, ban đầu cổ tử cung sẽ mở được 1cm và sau đó cách mỗi giờ sẽ mở thêm 1cm. Tuy nhiên, có những trường hợp mẹ bầu phải trải qua các cơn co thắt kéo dài từ 4 – 8 tiếng hoặc lâu hơn để cổ tử cung có thể mở ra được 3 – 4cm. Đôi khi, mặc dù cổ tử cung đã mở được 1cm nhưng vẫn cần khoảng thời gian lâu hơn sau đó để bắt đầu quá trình chuyển dạ thật sự, nhất là đối với những phụ nữ lần đầu sinh.
Cổ tử cung càng mở rộng thì các cơn co thắt tử cung sẽ càng mạnh hơn. Điều này dẫn đến tình trạng đau bụng dữ dội với tần suất đau tăng dần. Khi đầu của em bé đã xuống thấp, cổ tử cung mở hoàn toàn cm thì mẹ có thể rặn đẻ và thở đều cho đến khi em bé được đưa ra ngoài hoàn toàn theo hướng dẫn của bác sĩ. Quá trình này đặc biệt quan trọng nên mẹ bầu cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe để hỗ trợ quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra thuận lợi.
Làm thế nào để giúp cổ tử cung mở ra nhanh hơn?
Thời gian cổ tử cung mở càng ngắn thì em bé ra ngoài sẽ dễ dàng hơn và mẹ cũng đỡ đau hơn. Để quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi, thai phụ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Đi bộ chậm rãi: Ở những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu nên cố gắng đi bộ nhiều hơn để có thể tạo áp lực giúp em bé quay đầu xuống cổ tử cung nhanh hơn và kích thích cơn co thắt chuyển dạ diễn ra nhanh hơn. Điều này cũng giúp mẹ bầu làm quen dần với những cơn co thắt bụng và kích thích quá trình sinh đẻ tự nhiên.
- Bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh và an toàn hơn như đu đủ xanh, dứa, quả mâm xôi đỏ, cam thảo đen, mè đen, lá tía tô, rau lang…
- Ngâm cơ thể trong bồn nước ấm: Việc ngâm nước ấm hoặc tắm nước ấm có thể giúp da và cơ thể được giãn nở, thư giãn. Điều này giúp tăng cường quá trình lưu thông máu và làm dịu cơ thể để sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ.
- Massage đầu ti: Việc xoa bóp đầu ti sẽ kích thích núm vú sản sinh ra oxytocin – một loại hormone quan trọng gây co bóp tử cung và thúc đẩy quá trình chuyển dạ.
- Thư giãn tinh thần: Việc thư giãn tinh thần sẽ giúp cho quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi hơn.
- Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc kích sinh cho thai phụ để quá trình sinh nở diễn ra nhanh hơn.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần lưu ý rằng nếu đến ngày dự kiến sinh mà không thấy có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ vẫn nên đến cơ sở y thăm khám nhằm xác định nguyên nhân và đưa ra hướng can thiệp kịp thời để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của cả hai mẹ con.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về bệnh viện Bình Dân
Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc tại sao cổ tử cung mở 1cm nhưng không đau bụng. Đồng thời, Nhà thuốc Long Châu cũng mong rằng các mẹ bầu đã nắm được những dấu hiệu của chuyển dạ để chuẩn bị tốt cho quá trình sinh em bé được an toàn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm