Chốc mép là bệnh da liễu có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp cho từng tình trạng bệnh. Bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này đồng thời bật mí cho bạn các loại thuốc bôi chốc mép.
Bạn đang đọc: Tổng hợp: Thuốc bôi chốc mép phổ biến hiện nay
Sử dụng thuốc bôi là chỉ định phổ biến khi điều trị bệnh chốc mép. Vậy có các loại thuốc bôi chốc mép nào? Trước khi giải đáp thắc mắc này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh chốc mép khóe miệng bạn nhé.
Tổng quan về bệnh chốc mép
Bệnh chốc mép hay bệnh chốc khóe miệng là hiện tượng nổi mụn nước ở khoé miệng và môi, gây ra cảm giác đau rát, ngứa ngáy cho người bệnh. Theo thời gian, các nốt mụn này sẽ vỡ ra và đóng vảy.
Chốc mép không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người mắc phải.
Căn bệnh này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như vi khuẩn, virus, nấm… Trong đó, virus là nguyên nhân phổ biến hơn cả. Ngoài ra, việc thiếu hụt một số vi chất trong cơ thể, đặc biệt như vitamin C, vitamin PP và vitamin B12… cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh chốc khóe miệng.
Một số thuốc bôi chốc mép phổ biến
Trên thực tế, chốc mép có thể không cần điều trị mà tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc bôi chốc mép. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc bôi chốc mép phù hợp. Cụ thể:
Thuốc bôi điều trị chốc mép do virus
Với nguyên nhân là virus, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng virus dạng bôi tại chỗ. Các loại thuốc này có tác dụng cải thiện triệu chứng, giảm cường độ cũng như tiến triển của bệnh.
Bạn nên bôi thuốc càng sớm càng tốt, trước khi mụn nước xuất hiện, ngay từ khi xuất hiện những triệu chứng như ngứa, rát. Nếu sử dụng quá muộn khi mà vết thương đã đóng vảy thì thuốc sẽ không mang lại hiệu quả tối ưu.
Các loại thuốc bôi chốc mép do virus có thể kể đến như:
- Acyclovir: Loại thuốc này không sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thoa thuốc nhiều lần trong ngày. Để tránh lây nhiễm, hãy rửa sạch tay trước và sau khi bôi thuốc bạn nhé.
- Penciclovir: Không sử dụng loại thuốc này cho trẻ dưới 15 tuổi. Bôi thuốc nhiều lần trong ngày, ra xung quanh tổn thương. Rửa sạch tay trước và sau mỗi lần bôi thuốc.
Thuốc bôi điều trị chốc mép do vi khuẩn
Trong trường hợp chốc mép gây ra bởi vi khuẩn hoặc các vết loét gây bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng kem bôi chứa kháng sinh như Erythromycin để thoa lên vùng da bị tổn thương. Song nếu thoa kháng sinh không khỏi hoặc nhiễm trùng có dấu hiệu lây lan, các bác sĩ sẽ chỉ định bạn điều trị bằng kháng sinh đường uống.
Một số loại thuốc bôi chốc mép do vi khuẩn có thể kể đến như:
Mupirocin
Thuốc bôi chốc mép Mupirocin có tác dụng ức chế men isoleucyl transfer – RNA synthetase từ đó dừng quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Loại thuốc bôi này được chỉ định sử dụng điều trị tại chỗ các nhiễm khuẩn da tiên phát và nhiễm khuẩn thứ phát.
Cách sử dụng: Vệ sinh vùng da bị tổn thương sau đó bôi một lượng vừa đủ thuốc Mupirocin lên vùng da đó. Trong một số trường hợp, sau khi bôi thuốc, bác sĩ có thể chỉ định băng lại. Bạn nên bôi thuốc 2 – 3 lần/ngày và điều quan trọng là bạn cần rửa sạch tay trước và sau khi bôi thuốc.
Fusidic Acid
Acid fusidic được chứng minh là có khả năng ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn từ đó kìm hãm sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn.
Thuốc được chỉ định trong điều trị các nhiễm trùng ngoài da gây ra bởi virus nhạy cảm như liên cầu, tụ cầu… hoặc nhiễm khuẩn thứ phát như viêm da tiếp xúc, eczema…
Cách sử dụng: Bôi thuốc 2 – 3 lần/ngày và không dùng thuốc quá 7 ngày. Trước và sau khi bôi thuốc, bạn cần rửa tay sạch. Thuốc chỉ có hiệu quả điều trị chốc mép gây ra bởi vi khuẩn gram dương mà không có tác dụng trên nấm và vi khuẩn gram âm.
Lưu ý: Thuốc có thể qua hàng rào nhau thai và sữa mẹ, chính vì thế, phụ nữ có thai và phụ nữ đang có con bú cần thận trọng trước khi sử dụng loại thuốc này.
Tìm hiểu thêm: Khám nội khoa gồm những bệnh gì? Các xét nghiệm và thủ tục nội khoa bạn nên biết
Erythromycin
Erythromycin – kháng sinh thuộc nhóm macrolid có tác dụng ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn nhạy cảm thông qua việc gắn kết có hồi phục vào tiểu đơn vị ribosom 50S.
Thuốc thường được chỉ định sử dụng trong điều trị bệnh ngoài da như mụn nhọt, chốc mép, trứng cá với tần suất bôi 2 lần/ngày.
Thuốc bôi chốc mép do nấm
Nếu nấm là tác nhân gây chốc mép thì bạn cần sử dụng các loại thuốc bôi có tác dụng kháng nấm. Một số loại thuốc bôi trị chốc mép do nấm phải kể đến như:
- Ketoconazole: Ketoconazole có tác dụng ức chế hoạt tính của cytochrome P450 từ đó làm giảm lượng ergosterol – thành phần chính của tế bào nấm. Nhờ vậy thuốc có thể tiêu diệt tế bào nấm thông qua việc thay đổi tính thấm cũng như chức năng của tế bào. Thuốc được dùng với tần suất 1 – 2 lần/ngày và không sử dụng thuốc quá 4 tuần.
- Clotrimazol: Clotrimazol có khả năng liên kết với các phospholipid trong màng tế bào nấm, làm thay đổi tính thấm của màng từ đó tiêu huỷ tế bào nấm. Với thuốc bôi Clotrimazol, tần suất sử dụng thuốc là 2 lần/ngày và thời gian điều trị trung bình sẽ kéo dài từ 1 – 4 tuần.
- Miconazole: Thuốc bôi chốc mép có thành phần chính là Miconazole có khả năng ức chế 14 alpha – demethylase và quá trình sinh tổng hợp ergosterol cùng các lipid khác của màng tế bào nấm, từ đó gây rối loạn chức năng màng, đồng thời ức chế sự tăng trưởng của nấm. Bạn nên thoa một lượng kem vừa đủ lên vùng da bị chốc mép 1 – 2 lần/ngày.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc bôi chốc mép
Khi sử dụng các loại thuốc bôi chốc mép, để đạt được hiệu quả tối ưu cũng như ngăn ngừa các vấn đề sức khoẻ không đáng có, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng các loại thuốc bôi điều trị chốc mép khi có chỉ định từ bác sĩ. Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc.
- Trước và sau khi bôi thuốc, bạn cần rửa tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm.
- Không gãi vào vùng da bị chốc mép bởi hành động này có thể khiến virus lây lan đến các vị trí khác của cơ thể. Sau mỗi lần tiếp xúc với các mụn nước, bạn cần rửa sạch tay với xà phòng. Tuyệt đối không chọc vỡ các mụn nước và không bóc vảy khi nốt mụn đã đóng vảy.
- Trong quá trình sử dụng thuốc bôi chốc mép, bạn có thể gặp phải tác dụng không mong muốn chẳng hạn như kích ứng tại chỗ, bạn cần dừng sử dụng thuốc và thông báo với bác sĩ ngay để bác sĩ có thể nắm được và đưa ra hướng điều trị phù hợp hơn.
>>>>>Xem thêm: Coping mechanism là gì? Cách đối phó Coping mechanism hiệu quả
Trên đây là một số loại thuốc bôi chốc mép được sử dụng phổ biến hiện nay mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Có thể thấy rằng, chốc mép không phải là tình trạng bệnh quá nguy hiểm song khi gặp phải tình trạng này, bạn vẫn nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn loại thuốc phù hợp với tình trạng bạn đang gặp phải.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm