Các yếu tố quyết định khối lượng chất béo trong cơ thể (body fat mass) là một chủ đề còn khá xa lạ đối với nhiều người. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.
Bạn đang đọc: Body fat mass và các yếu tố quyết định thành phần lượng mỡ trong cơ thể
Chất béo đóng một vai trò quan trọng đối với những người muốn có sức khỏe tốt, nó giúp cơ thể dự trữ năng lượng để hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất. Nhìn chung, cơ thể con người có hai loại chất béo chính đó là: Axit béo không no (chất béo thiết yếu) và Axit béo no (chất béo dự trữ). Vậy body fat mass là gì? Các yếu tố nào ảnh hưởng đến body fat mass?
Body fat mass là gì?
Body fat mass có nghĩa là khối lượng mỡ trong cơ thể, hay là trọng lượng chất béo có trong cơ thể con người. Chất béo giúp cơ thể con người thực hiện nhiều chức năng quan trọng, chẳng hạn như giữ ấm hoặc bảo vệ các cơ quan trong cơ thể. Tỷ trọng lượng mỡ cao có thể dẫn đến các bệnh về lối sống như tiểu đường loại 2 hoặc béo phì. Trong khi đó, tỷ trọng lượng mỡ thấp ngược lại có thể dẫn đến chứng loãng xương, kinh nguyệt không đều hoặc sụt giảm khối lượng xương.
Chỉ số khối cơ thể (body mass index) là một phép toán đơn giản cho phép bạn tính toán được khối lượng mỡ của một người dựa trên cân nặng và chiều cao của chính họ. Công thức như sau:
- Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) = Cân nặng (kg) / Chiều cao2 (m).
Nếu con số kết quả nhỏ hơn 18,5 thì bạn bị thiếu cân. Con số từ 18,5 đến 25 cho thấy cân nặng nằm trong mức tốt. Chỉ số trên 25 là thừa cân và chỉ số trên 30 là béo phì. Mặc dù BMI là chỉ số sức khỏe được chấp nhận và biết đến rộng rãi nhưng nó không phải là chỉ số đo lường duy nhất.
Body fat percentage là gì?
Tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể (body fat percentage) là trọng lượng của khối lượng mỡ trong cơ thể so với tổng trọng lượng cơ thể. Dễ hiểu hơn, tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể là thước đo mức độ thể chất, là phép đo cơ thể duy nhất hiện tại có thể tính toán trực tiếp thành phần cơ thể tương đối của một người mà hoàn toàn không dựa vào cân nặng hay chiều cao. Phép tính như sau:
- (Tổng khối lượng mỡ / Tổng khối lượng cơ thể) × 100 = Tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể.
Tỷ lệ mỡ cơ thể cần thiết của phụ nữ lớn hơn nam giới do nhu cầu sinh nở và các chức năng nội tiết tố khác. Hiện có một số phương pháp để xác định tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể chẳng hạn như đo bằng thước cặp hoặc thông qua sử dụng phân tích trở kháng điện sinh học.
Các loại mỡ có trong cơ thể
Mỡ trong cơ thể bao gồm mỡ cơ thể thiết yếu và mỡ dự trữ trong cơ thể. Chất béo thiết yếu nằm trong dây thần kinh, não, tủy xương và trong màng bảo vệ các cơ quan. Được cấu tạo từ các axit béo, chất béo thiết yếu là axit béo cần thiết để duy trì sự sống và chức năng sinh sản.
Mỡ dự trữ trong cơ thể bao gồm sự tích tụ mỡ trong mô mỡ, nằm ở xung quanh các cơ quan và dưới da. Phần nhiều trong số lượng mỡ dự trữ gây ra các tình trạng bệnh lý không mong muốn cho cơ thể như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch,… Số còn lại có tác dụng giúp cung cấp năng lượng dự trữ, giữ ấm cho cơ thể và bảo vệ các cơ quan nội tạng ở ngực và bụng.
Về cơ bản, cơ thể con người có các loại mỡ cụ thể sau đây:
- Mỡ trắng: Mỡ trắng được tích trữ dưới da và xung quanh các cơ quan, là cách cơ thể dự trữ năng lượng để sử dụng cũng như giải phóng hormone.
- Mỡ nâu: Đôi khi mỡ nâu được gọi là mỡ “tốt”. Nó giúp tạo nhiệt độ để cơ thể giữ ấm trong điều kiện thời tiết lạnh. Khi được kích thích đúng cách, mỡ nâu có thể giúp đốt cháy calo.
- Mỡ màu be: Tế bào mỡ màu be nằm gần xương đòn, dọc theo cột sống, có tác dụng đốt cháy calo.
- Mỡ dưới da: Loại mỡ này nằm ngay dưới lớp da cơ thể. Nó có thể vô hại và thậm chí có tác dụng bảo vệ bạn khỏi một số bệnh lý da liễu, nhưng nếu vị trí của nó nằm ở trên bụng, nó có thể góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe.
- Mỡ nội tạng: Mỡ nội tạng được tìm thấy sâu trong lõi bụng. Chất béo này bao quanh và bảo vệ các cơ quan quan trọng như gan, tuyến tụy và thận. Nghe có vẻ tốt, nhưng nó cũng khá nguy hiểm khi có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, thậm chí có thể gây ra chứng mất trí nhớ. Lượng mỡ nội tạng nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ và các bệnh lý khác.
Tìm hiểu thêm: EFT là gì? Kỹ thuật thực hiện như thế nào?
Yếu tố quyết định thành phần lượng mỡ trong cơ thể
Thành phần lượng mỡ trong cơ thể được quyết định bởi các yếu tố sau:
- Tuổi tác: Khối lượng mỡ trong cơ thể sẽ tăng dần theo độ tuổi ở cả nam và nữ. Sự gia tăng lượng mỡ sẽ giảm dần kể từ sau 70 tuổi, nghĩa là sự trao đổi chất trở nên chậm hơn. Dù cho trọng lượng cơ thể của một người không tăng theo độ tuổi, thì lượng mỡ có trong cơ thể họ vẫn sẽ tăng khi mà khối lượng cơ nạc giảm đi khi có tuổi.
- Gen: Gen đóng vai trò quan trọng trong việc một người sẽ gầy tự nhiên hay dễ tăng cân mất kiểm soát.
- Nội tiết tố: Nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và thành phần cơ thể tổng thể.
- Giới tính: Cơ thể phụ nữ cần nhiều chất béo hơn để duy trì sự cân bằng nội tiết tố cũng như chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ cho chức năng sinh sản tự nhiên. Phụ nữ có xu hướng có lượng mỡ trong cơ thể nhiều hơn nam giới từ 6-11%.
Việc cơ thể có quá nhiều mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng kết hợp (có thể nghiêm trọng hơn nếu kết hợp với yếu tố tuổi già), có thể gây hại cho sức khỏe của chính bạn. Mỡ nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, biến chứng khi mang thai, tiểu đường loại 2, rối loạn nội tiết tố và thậm chí là một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ thấp quá mức cũng có thể khiến bạn dễ mắc bệnh như các vấn đề về khả năng sinh sản, ít năng lượng sống, mệt mỏi, chán nản, cơ bắp yếu,…
>>>>>Xem thêm: Sau 5h chiều có cần bôi kem chống nắng nữa không?
Nhìn chung, body fat mass là một yếu tố mà bạn cần theo dõi sát sao và điều chỉnh lối sống cũng như thói quen ăn uống để giúp lượng mỡ trong cơ thể luôn nằm ở mức vừa đủ và có thể kiểm soát. Trên hết, việc giảm mỡ phụ thuộc phần nhiều vào việc duy trì lượng calo nạp vào hằng ngày, cụ thể là lượng calo nạp vào phải ít hơn lượng calo tiêu thụ. Còn để rèn luyện cơ bắp, hãy tập trung vào hai yếu tố chính: Tập tạ và tiêu thụ protein.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm