Theo dõi huyết áp là một trong những cách kiểm tra sức khỏe đơn giản mà vô cùng cần thiết, nhất là với những đối tượng mắc các bệnh về huyết áp và tim mạch. Bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc cách đo huyết áp chân.
Bạn đang đọc: Khi nào cần đo huyết áp chân và quy trình thực hiện đo huyết áp chân
Đo huyết áp chân nếu không đo đúng cách sẽ dẫn đến sự sai lệch về kết quả. Dưới đây là những thông tin hướng dẫn về cách đo huyết áp chân tại nhà cùng một số lưu ý khi đo để giúp bạn có được kết quả chính xác nhất. Trước khi hướng dẫn cách đo huyết áp chân, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu xem việc theo dõi huyết áp thường xuyên quan trọng như thế nào bạn nhé.
Tầm quan trọng của việc theo dõi huyết áp thường xuyên
Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng giúp các bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khoẻ của cơ thể.
Những thay đổi về chỉ số huyết áp chính là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe bất thường, chẳng hạn như hạ huyết áp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch hay bệnh về thận… Chính vì thế, việc theo dõi huyết áp thường xuyên sẽ giúp chẩn đoán bệnh sớm từ đó có hướng điều trị bệnh kịp thời nếu cần đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Trong trường hợp người bệnh đang trong quá trình điều trị bệnh lý liên quan đến huyết áp thì theo dõi huyết áp thường xuyên chính là cách giúp đánh giá hiệu quả điều trị. Bằng việc nhận biết những thay đổi trong chỉ số huyết áp, bạn có thể đánh giá việc sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống có mang lại kết quả tốt không và nếu cần thiết sẽ thay đổi loại thuốc cũng như hướng điều trị phù hợp hơn.
Ngoài ra, nếu biết cách đo huyết áp tại nhà, bạn sẽ không phải mất quá nhiều thời gian đến các cơ sở y tế để kiểm tra huyết áp. Như vậy, bạn đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như chi phí khám chữa bệnh.
Khi nào sử dụng phương pháp đo huyết áp chân?
Trên thực tế, đo huyết áp ở tay, cụ thể là cổ tay và bắp tay phổ biến hơn rất nhiều so với đo huyết áp chân. Vậy khi nào sử dụng phương pháp đo huyết áp chân?
Đo huyết áp chân, cụ thể là đo huyết áp cổ chân được đánh giá là một trong những phương pháp hữu hiệu cho những trường hợp mắc đái tháo đường trong quá trình hồi phục bởi theo y học cổ truyền, cổ chân được cho là nơi giao mạch của các bộ phận như can, thận, tỳ.
Đo huyết áp cổ chân thường được áp dụng trong một số trường hợp người bệnh mắc các bệnh lý về động mạch ngoại biên. Vì sao vậy?
Hầu hết bệnh động mạch ngoại biên thường không có biểu hiện tình trạng bệnh lý ra ngoài. Chính vì thế, thông thường để phát hiện kịp thời và chuẩn xác phải qua việc tính toán chỉ số huyết áp ở tử chi mới có thể đưa ra được phương pháp điều trị.
Ngoài ra, phương pháp đo huyết áp chân còn giúp theo dõi cũng như đánh giá mức độ tái thông mạch máu sau can thiệp tái thông. Do vậy, đo huyết áp chân còn được sử dụng cho người bệnh phẫu thuật bắc cầu phục hồi dòng chảy của động mạch.
Quy trình đo huyết áp chân
Đo huyết áp chân là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh động mạch chi dưới vô cùng đơn giản và hiệu quả. Vậy quy trình đo huyết áp chân bao gồm những bước nào?
Dưới đây là quy trình cơ bản của kỹ thuật đo huyết áp chân, bạn đọc có thể tham khảo:
Chuẩn bị
Chuẩn bị trước đo huyết áp là khâu vô cùng quan trọng, quyết định kết quả đo huyết áp có chính xác hay không. Trước khi đo huyết áp, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Người thực hiện: Bác sĩ hoặc điều dưỡng thành thạo kỹ thuật đo huyết áp chân.
- Phương tiện: Máy đo huyết áp và ống nghe tim phổi. Máy đo huyết áp có thể là máy đo huyết áp đồng hồ, máy đo huyết áp thuỷ ngân hoặc máy đo huyết áp điện tử.
- Người bệnh: Cho người bệnh nghỉ ngơi tối thiểu trong 5 – 10 phút trước khi tiến hành đo huyết áp và dặn trước người bệnh không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê hay bia rượu trước đo huyết áp 2 tiếng.
Tiến hành đo huyết áp chân
Đo huyết áp chân bao gồm 2 cách cơ bản đó là phương pháp đo thủ công và phương pháp máy tự động.
Với cách đo thủ công, bác sĩ sẽ phải đo lần lượt huyết áp của tứ chi sau đó mới tính toán ra các chỉ số của từng bên. Ở vùng cổ chân, cần tiến hành đo ở 2 vị trí đó là động mạch chày sau (ống gót) và động mạch chày trước (mu chân) sau đó lấy giá trị chỉ số huyết áp cao hơn để tính. Với cách đo này đòi hỏi mất nhiều thời gian để đo và tính toán, song kết quả cho ra vô cùng chính xác.
Đối với cách đo huyết áp chân bằng máy tự động, các bước thực hiện đơn giản hơn, chỉ cần cắm máy vào bộ phận cần đo. Tuy nhiên, kết quả đo của phương pháp này lại không có độ chính xác cao bằng phương pháp đo thủ công.
Đọc kết quả đo huyết áp
Chỉ số huyết áp bao gồm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Khi đọc kết quả, đọc huyết áp tâm thu trước sau đó đến huyết áp tâm trương. Ở người bình thường, huyết áp tâm thu dao động trong khoảng từ 90 mmHg – 130 mmHg còn huyết áp tâm trương sẽ dao động trong mức 60 mmHg – 85 mmHg.
Các trường hợp được cảnh báo là huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu dưới 85 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg. Ngược lại, các trường hợp có huyết áp tâm thu trên 130 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 85 mmHg được cảnh báo là huyết áp cao.
Tìm hiểu thêm: Gợi ý những loại trái cây nghiền nhuyễn cho bé trong giai đoạn ăn dặm
Những lưu ý khi đo huyết áp chân
Khi đo huyết áp chân, để đảm bảo kết quả đưa ra chính xác, bạn cần nắm được một số lưu ý sau:
- Đảm bảo chuẩn bị người bệnh, người thực hiện cũng như phương tiện hỗ trợ đo huyết áp như trên.
- Kiểm tra thật kỹ các bộ phận của máy đo huyết áp để đảm bảo không có trục trặc hay hỏng hóc.
- Vị trí đo: Xác định chính xác vị trí đo huyết áp chân.
- Trong quá trình đo, tuyệt đối không dừng lại giữa chừng và bơm hơi tiếp đồng thời không nói chuyện trong khi đo bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả đo.Khi xả hơi, cần xả liên tục cho đến khi cột thuỷ ngân hoặc kim đồng hồ hạ về vị trí số 0.
- Ở lần đo huyết áp chân đầu tiên, cần đo ở cả 2 chân. Chỉ số huyết áp chân nào cao hơn sẽ được lấy để theo dõi huyết áp về sau. Nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần và mỗi lần đo cách nhau tối thiểu từ 1 – 2 phút.
- Cần đo lại một vài lần sau khi cho người bệnh nghỉ trên 5 phút nếu số đo huyết áp giữa 2 lần chênh nhau quá nhiều, cụ thể là 10 mmHg. Giá trị huyết áp được ghi nhận là phép chia trung bình của 2 lần đo cuối cùng.
- Ở người bệnh có rối loạn nhịp tim, việc đo huyết áp nhiều lần sẽ giúp tăng độ chính xác.
- Ghi lại huyết áp dưới dạng huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương theo đơn vị mmHg. Chú ý, không làm tròn số quá hàng hơn vị và cần thông báo ngay kết quả đo cho người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Các loại dây cung trong chỉnh nha
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh phương pháp đo huyết áp chân mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, bản tin sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này. Chúc bạn sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ và thành công trong cuộc sống.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Kiểm tra sức khỏeChăm sóc sức khỏe