Hiện nay có nhiều người vẫn còn lạ lẫm với khám thể lực nhưng thực ra, đây là hình thức đánh giá sức khỏe tổng quát khá phổ biến và đem lại nhiều lợi ích trong việc phát hiện và điều trị kịp thời nhiều bệnh lý. Để hiểu rõ hơn về khám thể lực, Nhà thuốc Long Châu mời bạn tham khảo bài viết sau.
Bạn đang đọc: Khám thể lực là gì? Khi nào cần thực hiện và lưu ý gì khi khám thể lực?
Khám thể lực trong khám sức khỏe tổng quát là quá trình đánh giá quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với việc kiểm soát tình trạng sức khỏe, phát hiện và can thiệp kịp thời nhiều vấn đề trong cơ thể. Thực hiện khám thể lực được bác sĩ khuyến cáo cho mọi đối tượng với quy trình khám rõ ràng, chặt chẽ.
Thế nào là khám thể lực?
Khám thể lực là một phần trong quy trình khám sức khỏe tổng quát. Khi tiến hành khám thể lực người bệnh sẽ được đi chiều cao, cân nặng nhằm đánh giá chỉ số BMI, sau đó sẽ đo huyết áp, đo nhịp tim. Bên cạnh đó khi khám thể lực người bệnh còn cần phải thực hiện một số xét nghiệm thăm khám như:
- Khám lâm sàng tổng quát nhằm đánh giá cụ thể các hệ cơ quan gồm hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh và tiết niệu.
- Thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
- Chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp X-quang một số vị trí trên cơ thể và siêu âm ổ bụng.
- Thăm dò các chức năng qua việc đo điện tâm đồ, điện não đồ, đo loãng xương.
- Nam giới khi khám thể lực có thể khám mở rộng thêm gồm khám nam khoa, nữ giới khám phụ khoa tùy theo nhu cầu, nguyện vọng của bệnh nhân.
Người thực hiện khám thể lực cần khai báo cụ thể, chi tiết về bệnh trong tiền sử mắc bệnh, điều trị bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe của bản thân hoặc người thân trong gia đình, đặc biệt là với các bệnh có khả năng di truyền hoặc lây nhiễm cao cần thông báo rõ ràng với bác sĩ thăm khám.
Khám thể lực và khám sức khỏe định kỳ là phương án chăm sóc sức khỏe toàn diện, giúp phát hiện sớm dấu hiệu bệnh lý, đặc biệt là những bệnh giai đoạn đầu không có biểu hiện cụ thể, từ đó tăng hiệu quả điều trị, tốc độ phục hồi sức khỏe nhanh, giảm nguy cơ gây biến chứng, di chứng sau này.
Khi nào nên khám thể lực?
Các bác sĩ chia sẻ việc khám thể lực có thể thực hiện ở đa dạng đối tượng và không phân biệt giới tính. Ở mỗi độ tuổi khác nhau chúng ta sẽ đối mặt với những nguy cơ bệnh lý khác nhau nên việc khám thể lực và khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh tật. Chuyên gia khuyến khích mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều nên đi khám thể lực, khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn diện, hiệu quả hơn. Các lứa tuổi nên khám thể lực cụ thể là:
Từ 0 – 16 tuổi: Đây là độ tuổi nên được khám thể lực, khám sức khỏe tổng quát định kỳ 2 lần mỗi năm nhằm tư vấn tiêm phòng, theo dõi sức khỏe, chiều cao, cân nặng, các tật khúc xạ thường gặp và một số vấn đề tâm sinh lý ở trẻ.
Từ 18 – 25 tuổi: Đây là độ tuổi có thói quen sinh hoạt thiếu khoa học nhất và đời sống hiện đại khiến người trong lứa tuổi này có nguy cơ cao mắc một số bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện kịp thời. Việc thăm khám tổng quát sức khỏe và khám thể lực là cách tốt nhất để kịp thời nhận biết các vấn đề của cơ thể, từ đó điều trị, thay đổi chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh hơn.
Từ 25 – 40 tuổi: Độ tuổi này thường cần kiểm tra chức năng gan, đo lường cholesterol trong máu để nhận biết sớm nguy cơ bệnh tim mạch, điển hình như xơ vữa động mạch. Đồng thời khám thể lực ở độ tuổi này cũng giúp tầm soát ung thư vú ở phụ nữ.
Từ 40 – 60 tuổi: Rất cần khám sức khỏe tổng quát và khám thể lực bởi đây là thời gian cơ thể bắt đầu lão hóa và có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.
Nhìn chung, độ tuổi nào cũng nên duy trì việc khám thể lực đều đặn để giữ sức khỏe tốt nhất, trạng thái tâm lý ổn định và tinh thần phấn chấn, vui vẻ, tránh những lo âu liên quan đến bệnh tật. Thực tế hiện nay nguy cơ bệnh tật ngày một nhiều, đặc biệt là tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh cũng tăng cao nên bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào bạn cũng nên thường xuyên đi khám tổng quát, khám thể lực để biết rằng mình đang khỏe mạnh hoặc cần thay đổi điều gì trong sinh hoạt, lối sống hàng ngày nhằm phòng ngừa bệnh tật.
Tìm hiểu thêm: Bé 1 tuổi nên uống sữa gì để phát triển toàn diện?
Lưu ý khi tiến hành khám thể lực
Quy trình khám thể lực diễn ra khá nhanh chóng với các bước cụ thể nên người bệnh không cần chuẩn bị gì quá đặc biệt trước khi khám. Nếu được bác sĩ chỉ định thăm khám, xét nghiệm gì đặc biệt thì bạn nên lưu ý những điều sau:
- Người bệnh trước khi khám thể lực hoặc khám sức khỏe tổng quát không nên ăn sáng, không uống nước có gas hoặc cà phê, trà đặc để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu trong lúc khám thể lực.
- Nếu được chỉ định nội soi dạ dày người bệnh nên nhịn ăn theo hướng dẫn của bác sĩ để quá trình khám diễn ra thuận lợi nhất có thể.
- Nên uống nhiều nước và nhịn tiểu khi tiến hành siêu âm bụng tổng quát bởi bàng quang chứa nhiều nước tiểu sẽ căng ra, tạo điều kiện thuận lợi để bác sĩ quan sát toàn bộ bàng quang, tử cung và hai buồng trứng (ở nữ giới) hoặc tuyến tiền liệt (đối với nam giới).
- Phụ nữ không thực hiện khám phụ khoa nếu đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai. Bạn có thể trao đổi điều này với bác sĩ để được lưu ý thêm khi khám.
- Phụ nữ mang thai không tiến hành chụp X-quang vì nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe thai nhi.
- Nên trao đổi với bác sĩ bệnh lý, tình trạng sức khỏe hiện tại, có đang mang thai hay không, có sử dụng thuốc chữa bệnh không, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình,… vì đây là những thông tin quan trọng để chẩn đoán bệnh tật, vấn đề sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Cách chữa viêm môi tại nhà không dùng thuốc có hiệu quả không?
Tóm lại khám thể lực nói riêng và khám sức khỏe định kỳ nói chung là phương pháp có hiệu quả cao để phòng và phát hiện bệnh kịp thời. Mỗi người nên đi khám thể lực mỗi năm 2 lần thay vì đợi đến khi thấy cơ thể mệt mỏi, có dấu hiệu bất thường mới đi khám bởi hiện nay, có rất nhiều bệnh lý nguy hiểm không có biểu hiện cụ thể, chỉ có thể phát hiện qua thăm khám sức khỏe.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm