Viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Viêm phổi mắc phải cộng đồng (VPMPCĐ) là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi xảy ra ở cộng đồng, bên ngoài bệnh viện, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Đặc điểm chung có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ đông đặc phế nang hoặc tổn thương mô kẽ trên phim X quang phổi. Bệnh thường do vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không do trực khuẩn lao.

Bạn đang đọc: Viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My – hiện công tác tại trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Bác sĩ Nguyễn Văn My đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Hiện Bác sĩ Nguyễn Văn My đồng thời cũng là Nghiên Cứu Sinh chuyên ngành Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, tại Đại học Mahidol, Vương quốc Thái Lan.

Viem-phoi-mac-phai-cong-dong.webp

Giải đáp các thắc mắc về viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Nguyên nhân gây ra viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn là gì?

Một số nguyên nhân gây ra viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn gồm:

  • Vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus, Mycoplasma pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Legionella spp., Chlamydophila và Moraxella catarrhalis.
  • Virus: Cúm, virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV), Parainfluenza virus và Adenovirus vẫn là các căn nguyên virus phổ biến nhất gây VPMPCĐ ở người lớn. Các virus khác có thể gặp như Rhinovirus, Coronavirus và Methapneumovirus trên người.
  • Nấm: Histoplasma capsulatum, Coccidioides spp, Blastomyces dermatitidis.

Viêm phổi cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My 1

Vi khuẩn, virus và nấm là các nguyên nhân thường thấy gây viêm phổi

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn là gì?

Triệu chứng cơ năng:

  • Xuất hiện cấp tính trong vài ngày.
  • Triệu chứng điển hình: Sốt cao, rét run, ho khạc đờm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (nếu có tổn thương màng phổi).

Triệu chứng thực thể:

  • Hội chứng nhiễm trùng: Sốt, môi khô, lưỡi bẩn… Trên bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân suy giảm miễn dịch các biểu hiện ban đầu của viêm phổi có thể không rầm rộ.
  • Hội chứng đông đặc (rung thanh tăng, gõ đục, rì rào phế nang giảm), có thể có nghe thấy ran nổ nếu tổn thương nhiều ở phổi.
  • Viêm phổi do tác nhân vi khuẩn điển hình: Phần lớn bệnh nhân sốt cao trên 39 độ C, rét run kèm theo bệnh nhân xuất hiện ho khan lúc đầu sau ho khạc đờm mủ, có thể khạc đờm màu rỉ sắt và đau ngực vùng tổn thương. Tuy nhiên người lớn tuổi có thể không có sốt; bệnh nhân có thể có biểu hiện tím tái, khó thở, nhịp thở nhanh trên 30 lần/phút…
  • Viêm phổi do tác nhân vi khuẩn không điển hình: Phần lớn xảy ra trên người lớn tuổi và trẻ em với các triệu chứng âm thầm hơn bao gồm: Sốt nhẹ, đau đầu, ho khan, cảm giác mệt mỏi như triệu chứng nhiễm virus. Khám không rõ hội chứng đông đặc, thấy rải rác ran nổ. Tuy nhiên các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu cho thể bệnh.

Bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn có gây biến chứng gì không?

Viêm phổi có thể gây các biến chứng tại phổi, trong lồng ngực và biến chứng xa.

Biến chứng tại phổi:

  • Bệnh có thể lan rộng ra hai hoặc nhiều thùy phổi, bệnh nhân khó thở nhiều hơn, tím môi; mạch nhanh, bệnh nhân có thể chết trong tình trạng suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.
  • Xẹp một thuỳ phổi: tắc phế quản do đờm.
  • Áp xe phổi: rất thường gặp, do dùng kháng sinh không đủ liều lượng, bệnh nhân sốt dai dẳng, khạc nhiều đờm có mủ. X quang phổi có 1 hoặc nhiều hình hang với mức nước, mức hơi.

Biến chứng trong lồng ngực:

  • Tràn khí màng phổi, trung thất: Thường do nguyên nhân S. aureus.
  • Tràn dịch màng phổi: Viêm phổi dưới màng gây tràn dịch màng phổi, nước vàng chanh, nhẹ, chóng khỏi – thường do Phế cầu khuẩn (S. pneumoniae).
  • Tràn mủ màng phổi: Bệnh nhân sốt dai dẳng, chọc dò màng phổi có mủ, thường xảy ra trong trường hợp viêm phổi màng phổi, hoặc do chọc dò màng phổi gây bội nhiễm.
  • Viêm màng ngoài tim: Triệu chứng đau vùng trước tim, nghe có tiếng cọ màng tim, thường là viêm màng tim có mủ.

Biến chứng xa:

  • Viêm nội tâm mạc cấp tính do S. pneumoniae: Biến chứng này hiếm gặp, bệnh nhân có cơn sốt rét run, lách to.
  • Viêm khớp do S. pneumoniae: Gặp ở người trẻ tuổi, thường chỉ bị một khớp sưng, đỏ, nóng, đau.
  • Viêm màng não do S. pneumoniae: Là biến chứng hiếm gặp, nước não tuỷ chứa nhiều S. pneumoniae, glucose giảm, có ít bạch cầu đa nhân.
  • Viêm phúc mạc: Thường gặp ở trẻ em. Sốc nhiễm trùng, mê sảng ở người nghiện rượu…
  • Nhiễm khuẩn huyết: Vi khuẩn vào máu, có thể gây ra các ổ áp xe nhỏ ở các cơ quan, nội tạng khác.
  • Sốc nhiễm khuẩn: Trường hợp nặng, thường xảy ra ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như đái tháo đường, suy thận, suy tim… tình trạng sốc kéo dài có thể gây hội chứng suy đa phủ tạng.

Bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn bao lâu thì khỏi?

Tùy theo thể bệnh và biến chứng của VPMPCĐ, sẽ không có khung thời gian cố định để đánh giá thời gian khỏi bệnh, bình phục.

Các biện pháp xét nghiệm gì để xác định mắc bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn?

Xét nghiệm máu: Tăng các loại như Bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính, máu lắng, Protein C phản ứng tăng, Procalcitonin…

Chụp X quang phổi: Có thể thấy được các thương tổn điển hình của Viêm Phổi.

Viêm phổi cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My 2

Chụp X quang có thể thấy được các thương tổn điển hình của phổi

Chụp cắt lớp vi tính CT Scanner ngực: Chỉ định trong một số trường hợp:

  • Viêm phổi nặng và diễn biến phức tạp.
  • Viêm phổi ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
  • Viêm phổi tái phát hoặc không điều trị dứt điểm được.
  • Bệnh nhân nghi ngờ mắc viêm phổi trên lâm sàng nhưng hình ảnh X quang phổi không rõ tổn thương.

Hình ảnh Viêm Phổi được thể hiện trên phim cắt lớp rõ ràng, chi tiết hơn so với phim X quang Phổi, thậm chí một số trường hợp có thể chẩn đoán được nguyên nhân của Viêm phổi.

Siêu âm lồng ngực: Ngày nay, siêu âm lồng ngực đã được chấp thuận là xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định trong chẩn đoán viêm phổi vì tính chính xác trong chẩn đoán, thuận tiện và chi phí thấp. Những đặc điểm của viêm phổi trên siêu âm lồng ngực là các hình ảnh tổn thương đông đặc có di động theo nhịp thở, có thể thấy hình ảnh khí trong phế quản và hình ảnh tràn dịch màng phổi. Siêu âm lồng ngực còn có vai trò trong theo dõi đáp ứng điều trị, như bệnh thuyên giảm nếu những hình ảnh đông đặc nhỏ hơn và giảm dần sự hiện diện và số lượng của dịch khoang màng phổi trong quá trình điều trị…

Điều trị bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn như thế nào?

Nguyên tắc điều trị:

  • Đạt hiệu quả trên lâm sàng.
  • Giảm tử vong.
  • Tránh kháng thuốc.

Sử dụng kháng sinh:

  • Cần điều trị kháng sinh sớm trong 4 giờ đầu nhập viện dựa theo kinh nghiệm, khi có kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ cần điều chỉnh theo kháng sinh đồ và đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Tránh dùng kháng sinh phổ rộng nếu không cần thiết.
  • Sử dụng kháng sinh theo dược động học và dược lực học, hiệu chỉnh liều theo mức lọc cầu thận.
  • Lấy bệnh phẩm (nhuộm Gram và cấy đờm, cấy máu) trước khi điều trị kháng sinh ở bệnh nhân nhập viện.
  • Nên chọn thuốc diệt khuẩn, đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh lý nền nặng và/hoặc suy giảm miễn dịch.
  • Bệnh nhân nhập viện nên bắt đầu với kháng sinh đường truyền tĩnh mạch, đủ liều. Sau vài ngày có thể chuyển sang uống nếu có đáp ứng lâm sàng.
  • Thời gian điều trị tùy theo bệnh cảnh lâm sàng và X-quang, thường 3 – 5 ngày sau khi hết sốt đối với Phế cầu – S.pneumoniae. Thời gian điều trị kháng sinh trung bình từ 7 – 10 ngày đối với VPMPCĐ không biến chứng. Nếu do Legionella, Chlamydia thời gian tối thiểu 2 – 3 tuần. Bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và điều trị lâu dài corticoid: Trên 14 ngày.
  • Đánh giá điều trị sau 48 – 72 giờ, nếu tình trạng lâm sàng không cải thiện hoặc xấu hơn cần thay đổi phác đồ.
  • Chuyển sang đường uống khi bệnh nhân cải thiện ho, khó thở, hết sốt 2 lần cách 8 giờ và bệnh nhân uống được.
  • Xuất viện: Khi ổn định lâm sàng và chuyển sang kháng sinh uống cho đủ liệu trình.
  • Điều trị thuốc kháng virus trong Cúm A, B: Oseltamivir 75mg x 2 viên/ngày uống chia 2 lần. Trường hợp nặng có thể dùng liều gấp đôi.
  • Điều trị hỗ trợ: Bù dịch, hạ sốt, giảm đau, giảm ho – long đờm…

Tìm hiểu thêm: Prazopro uống trước hay sau ăn để đạt hiệu quả tốt nhất?

Viêm phổi cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My 3
Thuốc kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm phổi

Tiêu chuẩn xuất viện:

Bệnh nhân hết sốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định trong 48 giờ, ăn, uống được, không có bệnh lý khác hoặc tình trạng tâm thần cần theo dõi tại bệnh viện.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn là gì?

Một số biện pháp phòng ngừa viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn:

  • Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, quản lý triệt để các bệnh lý nền của bệnh nhân.
  • Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh, loại bỏ kích thích có hại như rượu bia, thuốc lá.
  • Tiêm phòng vắc xin Cúm hàng năm. Đặc biệt trên người cao tuổi (trên 50 tuổi), những người có bệnh lý nền mạn tính như tim, phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng, suy giảm miễn dịch…
  • Tư vấn cai thuốc lá với chiến lược tư vấn ngắn 5A (Hỏi – Khuyên – Đánh giá – Hỗ trợ – Sắp xếp) hoặc tư vấn sâu. Trong các trường hợp nghiện thuốc lá thực thể mức độ nặng, có thể dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc, bao gồm: Nicotin thay thế, Bupropion hoặc Varenicline.
  • Tiêm phòng vắc xin ngừa Phế cầu: Hiện nay, với vắc xin ngừa Phế cầu 13 tuýp huyết thanh, người lớn chỉ cần tiêm duy nhất 01 mũi. Những người được khuyến cáo mạnh được tiêm bao gồm: Trên 65 tuổi, mắc bệnh tim phổi mạn tính, đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan mạn tính, dò dịch não tủy, cắt lách, suy giảm miễn dịch.

Viêm phổi cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My 4

Nên tiêm vắc xin phòng Cúm, Phế cầu để phòng ngừa bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

Hiện nay, tất cả các trung tâm tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc luôn cung cấp tốt nhất các dịch vụ tiêm ngừa vắc xin Cúm, Phế cầu khuẩn 13 tuýp huyết thanh nói riêng và còn rất nhiều vắc xin khác theo những chương trình gói, lẻ, đặt trước nhằm mang lại tối đa thuận lợi, lợi ích với tất cả mọi khách hàng.

Người bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn nên có chế độ ăn uống như thế nào để mau hồi phục sức khỏe?

Thực hiện chế độ ăn đảm bảo cân bằng các thành phần: Đạm, đường, chất béo cũng như các nhóm vitamin, yếu tố vi lượng. Tránh sử dụng các đồ ăn, uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê…

Các dấu hiệu cảnh báo nào bệnh nhân viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn cần đến bệnh viện ngay lập tức?

Trong trường hợp bị VPMPCĐ mà xuất hiện một trong những dấu hiệu, biểu hiện dưới đây thì cần nhập viện để điều trị ngay:

  • Các triệu chứng không thuyên giảm: Sốt cao, Ho, khạc đờm đặc, màu xanh, vàng nhiều.
  • Sốt cao, rét run.
  • Mê sảng, đau đầu, nôn ói nhiều.
  • Biểu hiện sốc nhiễm khuẩn: Chân tay lạnh, nổi vân tím, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp khó đo hoặc không đo được…
  • Khó thở, mức độ ngày càng tăng, tím môi, đầu ngón tay, chân do thiếu dưỡng khí.
  • Xuất hiện các biểu hiện mới: Đau tức ngực, mệt mỏi – không có cảm giác “còn sức sống”.
  • Suy các cơ quan như gan, thận.

Lưu ý: Khoảng 10 – 15 % bệnh nhân tử vong trong vòng 30 ngày vì VPMPCĐ.

Theo Hiệp hội lồng ngực Anh Quốc (British Thoracic Society – BTS), chỉ số CURB-65 được đánh giá dựa trên các tiêu chí:

  1. Lú lẫn: Confusion.
  2. Tăng Ure máu (>7mmol/l) : Uremia.
  3. Tăng tần số thở > 30 lần/phút: Respiratory rate.
  4. Hạ Huyết áp dưới 90/60 mmHg: Blood pressure.
  5. Cao tuổi – trên 65 tuổi: Age – 65.

Mỗi tiêu chí được đánh giá là 01 điểm.

Tất cả các trường hợp có điểm CURB-65 từ 2 trở lên phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, phải điều trị tại khoa Điều trị tích cực các trường hợp có điểm CURB-65 là 4, 5.

Tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh có điểm 3 – 5 là 22%. Nhóm 2 điểm là 9,2%.

Bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn có tiến triển thành bệnh mạn tính không?

Các nguy cơ, tiến triển sau khi bị VPMPCĐ:

  • Tại Phổi: Tăng nặng các bệnh Viêm phế quản, Viêm màng Phổi…
  • Hệ Tim mạch: Tăng nguy cơ bị các bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim…
  • Hệ Thần kinh: Nguy cơ mất trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm.
  • Tăng nguy cơ bị bệnh các hệ cơ – xương – khớp, bệnh thận, chuyển hóa.
  • Bị các nhiễm trùng khác.
  • Tái nhập viện.
  • Tử vong: Khoảng 30 – 35% người bệnh tử vong trong vòng 1 năm kể từ khi phải nhập viện vì VPMPCĐ.

Như vậy, sau viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn hoàn toàn có thể tiến triển thành các bệnh mạn tính.

Viêm phổi cộng đồng ở người lớn: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My 5

>>>>>Xem thêm: Các kỹ thuật lọc máu trong hồi sức phổ biến

Viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn có thể tiến triển thành bệnh mạn tính

Cần thay đổi lối sống như thế nào để hạn chế mắc bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn?

Để hạn chế mắc bệnh VPMPCĐ ở người lớn, bạn cần lưu ý:

  • Giữ ấm vào mùa đông, lạnh.
  • Từ bỏ các thói quen không tốt như lạm dụng rượu, bia, thuốc lá (cả hút thuốc chủ động và hít khói thuốc bị động),…
  • Tập thể dục phù hợp với sức khỏe bản thân, đều đặn hàng ngày, nâng cao sức khỏe.

Thực hiện phòng ngừa chủ động, đặc hiệu bằng tiêm ngừa các vắc xin như: Tiêm nhắc vắc xin Cúm hàng năm, Phế cầu cộng hợp… Theo thống kê thì việc tiêm vắc xin phòng vắc xin Phế cầu khuẩn (S. pneumoniae) phòng tránh được 60 – 70% VPMPCĐ trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Trên là một số giải đáp của bác sĩ Nguyễn Văn My cho các câu hỏi thường gặp của bệnh Viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm thông tin về căn bệnh này, từ đó có cách phòng ngừa và điều trị bệnh thích hợp. Chúc bạn sức khỏe!

Bác sĩ Nguyễn Văn My

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Chủ đề:Hỏi đáp cùng bác sĩviêm phổi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *