Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần có tỷ lệ phổ biến nhất trên toàn thế giới. Đây là một loại rối loạn được đánh giá ở mức khá nguy hiểm và gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống bệnh nhân. Chính vì thế, nhận biết các loại trầm cảm và những yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn có thể hạn chế gặp phải tình trạng này.
Bạn đang đọc: Các loại trầm cảm phổ biến nhất hiện nay và các yếu tố nguy cơ bạn nên biết
Các loại trầm cảm đang có những tác động xấu đến đời sống tinh thần, thể chất và thậm chí là cả cuộc đời của bệnh nhân. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn phân biệt được các loại trầm cảm này và những yếu tố nguy cơ mắc phải mà bạn nên phòng tránh.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm (Depression) là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp. Người bị bệnh thường sẽ rơi vào trạng thái buồn bã kéo dài, không có động lực, có hoặc không kèm theo những triệu chứng như khóc. Nói cách khác, trầm cảm khiến người bệnh giảm hứng thú trong hầu hết mọi việc, kể cả đối với những hoạt động mà trước đây là sở thích và đam mê của họ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 20 người bình thường thì sẽ có một người đã từng có một giai đoạn rơi vào trầm cảm trong năm trước. Có đến 80% dân số trên toàn thế giới từng bị trầm cảm vào một thời gian nào đó trong cuộc đời mình. Với tỷ lệ mắc trầm cảm khoảng 15 – 25% thì bệnh có thể gặp ở bất cứ giới tính và độ tuổi nào. Tuy nhiên, so với nam giới thì tỷ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới thường phổ biến hơn và các đối tượng thường là những người rơi vào hoàn cảnh như thất nghiệp, ly thân, ly dị hoặc stress quá mức.
Trầm cảm không chỉ gây ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh mà còn khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, trầm cảm cần sớm được quan tâm và điều trị kịp thời, đặc biệt là từ những người thân cận như gia đình và bạn bè.
Các loại trầm cảm phổ biến hiện nay
Trầm cảm được xem là bệnh đến trong âm thầm nhưng có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đôi khi, không dễ để người bệnh có thể cảm nhận được dạng rối loạn mà họ đang gặp phải. Bởi vậy, nội dung sau đây sẽ giúp bạn có thể nhận biết rõ hơn các loại trầm cảm phổ biến nhất hiện nay, bao gồm:
Rối loạn trầm cảm nặng (MDD)
Rối loạn trầm cảm nặng (Major Depressive Disorder) hay còn được gọi là trầm cảm lâm sàng. Trong các loại trầm cảm thì đây là một tình trạng một tình trạng bệnh lý rất nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của người bệnh.
Những triệu chứng trầm cảm ở mỗi người khác nhau có thể sẽ có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên nếu như để ý quan sát, vẫn có một số triệu chứng trầm cảm lâm sàng có thể giúp bạn cảnh báo và xác định xem liệu rằng bạn hay người thân của mình có bị trầm cảm hay không. Dưới đây là một số triệu chứng đặc trưng mà bạn có thể tham khảo:
- Tâm trạng buồn bã, chán nản và trở nên cáu kỉnh hơn;
- Dành ít sự quan tâm hơn đến hầu hết các hoạt động trước đây từng yêu thích;
- Bị thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi cân nặng đột ngột;
- Rối loạn giấc ngủ: Khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc hay ngủ nhiều hơn bình thường;
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng;
- Cảm giác mình trở nên vô dụng và tội lỗi;
- Khó tập trung để suy nghĩ hay làm bất cứ việc gì;
- Có suy nghĩ về tự tử hoặc muốn làm hại chính bản thân mình.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD)
Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent depressive disorder) hay còn được gọi là rối loạn trầm cảm mãn tính. Với tình trạng này, người bệnh thường khó tìm thấy cảm giác lạc quan, thậm chí là vào cả những thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc sống. Trầm cảm dai dẳng là dạng có hiện tượng rối loạn nhịp tim và có thể kéo dài nhiều năm liên tiếp với các triệu chứng đặc trưng sau:
- Buồn bã, tính cách ảm đạm và hay phàn nàn hơn;
- Mất hứng thú, năng suất trong các hoạt động thường ngày;
- Trở nên mất tự tin hơn và hay tự trách móc bản thân mình;
- Kém năng động và hiệu quả trong công việc hơn;
- Thường xuyên cảm thấy tội lỗi và trong trạng thái lo lắng;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Khó tập trung, ăn ít hoặc ăn mất kiểm soát.
Các triệu chứng trầm cảm dai dẳng thường xuất hiện và biến mất trong khoảng vài năm, với cường độ có thể thay đổi theo mỗi thời điểm. Vì thế, khi tồn tại những cảm xúc trên trong một thời gian dài, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để trao đổi về các triệu chứng mình gặp phải và nhận được lời khuyên phù hợp.
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là tình trạng tâm thần thay đổi một cách thất thường khiến cho tâm trạng có thể đột ngột trở nên hưng phấn như quá phấn khích hoặc tăng động và nhiều lúc rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Có thể nhận biết rối loạn lưỡng cực bằng các dấu hiệu về cảm xúc và hành vi như sau:
- Hay cảm thấy buồn chán, trở nên mệt mỏi và hay khóc không rõ lý do;
- Luôn trong trạng thái bồn chồn, lo lắng và thất vọng;
- Mất ngủ;
- Lười vận động hơn;
- Khả năng quyết định suy giảm.
Trong các loại trầm cảm thì rối loạn lưỡng cực thường sẽ xảy ra theo từng chu kỳ. Cũng vì thế mà tâm trạng của người bệnh thường sẽ thay đổi tuỳ theo từng ngày, theo tuần, theo tháng hoặc theo năm.
Tìm hiểu thêm: Nuốt xương cá phải làm sao? Cách chữa hóc xương cá
Trầm cảm sau sinh (PDD)
Theo một số thống kê, hiện nay tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 15% trong vòng 3 tháng đầu và 25% trong khoảng 12 tháng sau sinh. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người còn xem nhẹ chứng trầm cảm sau sinh, chỉ đến khi bản thân thật sự trải qua giai đoạn đó thì mới hiểu được tình trạng này có sức ảnh hưởng ghê gớm như thế nào. Những triệu chứng để nhận biết trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Rối loạn cảm xúc, hay có những suy nghĩ tiêu cực, buồn bã;
- Mệt mỏi, lo lắng nhiều về các vấn đề trong cuộc sống;
- Gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé;
- Suy nghĩ tiêu cực và dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm hay tự gây hại cho chính mình và em bé…
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
Dễ cáu giận, lo lắng, mệt mỏi, mất tập trung, bồn chồn… là những triệu chứng tiền kinh nguyệt mà hiện nay có khá nhiều phụ nữ gặp phải. Theo đó, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một vấn đề sức khỏe cần quan tâm tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng chúng thường có mức độ nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng liên quan đến rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể bao gồm:
- Căng thẳng, lo âu quá mức;
- Dễ giận dữ và xảy ra xung đột với người khác;
- Hay mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ;
- Lú lẫn, hay quên;
- Trở nên mất kiểm soát…
Các yếu tố nguy cơ gây nên trầm cảm
Trầm cảm là tình trạng có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào và đây là dạng rối loạn không thể dễ dàng phát hiện và điều trị như một số bệnh lý khác. Vì không thể xác định được những nguyên nhân cụ thể, cho nên biết được các yếu tố nguy cơ là điều vô cùng cần thiết. Các nguy cơ đó có thể bao gồm:
- Do bệnh lý hoặc chấn thương: Những người có tiền sử mắc các bệnh về não hoặc bị chấn thương ở đầu trước đó.
- Lạm dụng quá nhiều chất kích thích: Người bệnh sẽ dễ bị trầm cảm hơn nếu sử dụng quá nhiều chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc các loại ma túy gây tổn thương thần kinh.
- Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài: Những người trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống liên quan đến gia đình, bạn bè, tình cảm và sự nghiệp có thể dẫn đến nguy cơ dễ bị trầm cảm hơn.
- Một số yếu tố khác như: Sử dụng các loại thuốc theo toa như corticosteroid, interferon và thuốc chẹn beta. Ngoài ra nguy cơ trầm cảm có thể bao gồm các yếu tố liên quan đến sinh học, môi trường và tâm lý.
>>>>>Xem thêm: Mụn ở mông xuất hiện là do đâu? Cách để xử lý mụn ở mông tại nhà
Như vậy, trong bài viết này Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về các loại trầm cảm và các yếu tố nguy cơ mà bạn nên chú ý. Hy vọng rằng, đây sẽ là nội dung kiến thức có ích không chỉ cho bạn mà cho cả những người xung quanh bạn. Hãy quan tâm đến cảm xúc và tình trạng của cơ thể mình nhiều hơn và đừng quên đón xem những bài viết mới về sức khỏe tại website của Nhà thuốc nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm