Rối loạn tuyến giáp khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Tùy vào giai đoạn phát triển của thai cũng như tình trạng bệnh mà mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau.
Bạn đang đọc: Rối loạn tuyến giáp khi mang thai có nguy hiểm không?
Theo một số thống kê, có khoảng 3-4% phụ nữ có thai bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Rối loạn chức năng tuyến giáp khi mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi nếu không được điều trị kịp thời. Theo dõi bài viết dưới đây của nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé!
Rối loạn tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng nằm ở vùng trước cổ, có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể thông qua hai hormone T3 (tri-iodo-thyronine), T4 (Thyroxine).
Rối loạn tuyến giáp là các bệnh lý làm ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp, bao gồm:
- Suy giáp: Đây là tình trạng tuyến giáp không thể sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể, tức là nồng độ T3, T4 trong máu quá thấp. Suy giáp có thể do chính tuyến giáp hoặc bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến tuyến yên, vùng dưới đồi.
- Cường giáp: Ngược với suy giáp, cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản sinh quá nhiều hormone, gây ra các rối loạn về chuyển hóa. So với suy giáp, cường giáp ít phổ biến hơn.
- Bướu giáp: Là tình trạng tuyến giáp phì đại bất thường. Đây không phải là một bệnh lý cụ thể, nó có thể đến bệnh lý cường giáp, thiếu iod, mang thai, hoặc do khối u ác tính.
- Ung thư tuyến giáp: Đây là một bệnh lý nguy hiểm, thường gặp ở phụ nữ trưởng thành. Đa phần, nếu bệnh được phát hiện sớm thì tỷ lệ sống sót và hồi phục ở bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp khá cao.
- Hạt giáp: Là những khối phát triển bất thường bên trong tuyến giáp, có thể là nang giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bướu giáp gây ra.
Các nguyên nhân dẫn đến rối loạn tuyến giáp khi mang thai
Một số báo cáo gần đây cho thấy, có khoảng 3-4% phụ nữ khi mang thai gặp phải tình trạng rối loạn tuyến giáp. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến rối loạn tuyến giáp khi mang thai là do bệnh Hashimoto. Đây là một loại bệnh tự miễn. Nữ giới có thể mắc phải bệnh này trước khi mang thai hoặc mắc bệnh ở lần mang thai đầu tiên. Sau đó, bệnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thai kỳ.
Bên cạnh đó, rối loạn tuyến giáp khi mang thai còn có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Thiếu iod, lượng iod tiêu thụ hoặc nạp vào cơ thể quá ít so với nhu cầu.
- Tiêu thụ iod quá mức cần thiết của cơ thể.
- Đã từng điều trị iod phóng xạ.
- Sử dụng một số loại thuốc làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp như các thuốc điều trị bệnh Basedow.
- Cường giáp, bướu giáp, hạt giáp,…
- Đã cắt tuyến giáp.
Ngoài ra, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến rối loạn tuyến giáp như:
- Đã từng bị rối loạn tuyến giáp ở những lần mang thai trước đó.
- Mắc một số bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường type 1, rối loạn chức năng tuyến yên, vùng dưới đồi,…
- Từng bị sảy thai, sinh non, dị tật thai,…
- Đang điều trị suy giáp.
- Mắc các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,…
- Tiền sử gia đình có người thân mắc các bệnh lý về tuyến giáp.
Do đó, những người có các yếu tố nguy cơ trên nên xét nghiệm sàng lọc các vấn đề liên quan đến tuyến giáp trước khi mang thai. Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone TSH, T3, T4 nhằm đánh giá chức năng và tình trạng hoạt động của tuyến giáp.
Tìm hiểu thêm: Mask diếp cá: 4 công thức làm đẹp da hiệu quả và đơn giản ngay tại nhà
Rối loạn tuyến giáp khi mang thai có nguy hiểm cho thai nhi không?
Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Trong khoảng 10 tuần đầu của thai kỳ, thai nhi chưa phát triển đầy đủ, cơ thể chưa có tuyến giáp nên cần phải phụ thuộc vào hormone tuyến giáp của mẹ thông qua nhau thai.
Giai đoạn này là thời kỳ quan trọng, các cơ quan đang hình thành và phát triển nên nếu thai nhi bị thiếu hormone có thể dẫn đến dị tật thai, thai chết lưu hoặc trẻ sinh ra có thể bị thiểu năng trí tuệ,… Tuy nhiên, tùy vào loại hormone thiếu hụt và mức độ thiếu hụt mà thai nhi sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.
>>>>>Xem thêm: Lựa chọn khám phụ khoa bệnh viện Hùng Vương có tốt không?
Ở phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp khi mang thai do suy giáp, người mẹ có thể gặp phải một số vấn đề như tăng huyết áp, sảy thai, đẻ non,… Còn với cường giáp, mặc dù chiếm tỷ lệ ít hơn nhưng nó có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như đẻ non, sản giật, tiền sản giật, thậm chí là đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Tóm lại, rối loạn tuyến giáp khi mang thai là tình trạng bất thường, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Chính vì thế, việc tầm soát các vấn đề bất thường liên quan đến tuyến giáp trước khi mang thai là rất quan trọng. Việc phát hiện bệnh càng sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ở cả mẹ và con. Hy vọng những thông tin mà nhà thuốc Long Châu cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm