Mắt là một bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như môi trường sống và làm việc, chế độ sinh hoạt khiến mắt bị tổn thương, khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng. Để có thể bảo vệ và chăm sóc cho đôi mắt được khỏe mạnh, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu những dấu hiệu mắt có vấn đề ở bài viết bên dưới nhé!
Bạn đang đọc: Làm thế nào nhận biết dấu hiệu mắt có vấn đề?
Nhức mỏi mắt, tầm nhìn mờ, thấy chấm đen, chảy nước mắt hoặc lóa mắt là các triệu chứng báo hiệu mắt bạn đang làm việc quá sức. Đáng lo ngại là các triệu chứng về bệnh mắt thường không biểu hiện đau nhức rõ rệt nên nhiều người thường chủ quan, lơ là. Nhận biết bệnh sớm là rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Vậy làm thế nào nhận biết dấu hiệu mắt có vấn đề?
Các bệnh lý về mắt là do đâu?
Khói bụi, hóa chất do ô nhiễm môi trường hay môi trường làm việc phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử thường xuyên dẫn đến sự gia tăng các bệnh lý về mắt. Những bệnh lý về mắt phổ biến hiện nay gồm:
- Tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị hay lão thị.
- Viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ): Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do nhiễm trùng hoặc nhiễm vi khuẩn, virus thông qua chạm tay bẩn vào mắt. Gây đau, sưng ngứa, đỏ mắt,…
- Viêm bờ mi: Triệu chứng ngứa, khô mắt, cộm,… gây ra bởi nhiễm vi khuẩn, nấm, ký sinh ở mí mắt hoặc do rối loạn chức năng tuyến Meibomian, khô mắt.
- Lẹo mắt: Do vi khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn xâm nhập, gây sưng viêm, trên mí mắt sẽ xuất hiện một khối to cỡ hạt gạo.
- Đục thuỷ tinh thể: Là hiện tiện thuỷ tinh thể bị đục bởi các nguyên nhân như lão hoá, chấn thương, di truyền,…
- Tăng nhãn áp: Là sự gia tăng áp lực chất lỏng bên trong mắt làm dây thần kinh thị giác bị tổn thương.
- Viêm loét giác mạc: Những vết thương từ việc sử dụng kính áp tròng, bụi mịn sắc nhọn, dụi mắt quá mạnh cũng có thể gây loét giác mạc.
Cách nhận biết dấu hiệu mắt có vấn đề
Thông thường, những dấu hiệu cảnh báo đôi mắt có vấn đề thường gặp trong cuộc sống thường ngày như mỏi mắt, khô mắt, ngứa, đỏ mắt,… Tuy nhiên, những dấu hiệu mắt có vấn đề này rất dễ bị bỏ quan một cách chủ quan, cho đến khi xuất hiện những cơn đau nhức, thị lực suy giảm, hay sự khó chịu ngoài sức chịu đựng, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc thì người bệnh mới đến gặp bác sĩ để thăm khám. Những dấu hiệu mắt có vấn đề phổ biến gồm:
- Thường xuyên bị khô mắt, cay mắt: Việc sử dụng các thiết bị điện tử với tần suất thường xuyên, thay đổi thời tiết, hay do yếu tố tuổi tác sẽ khiến mắt bị khô, chảy nước mắt.
- Ngứa mắt, xung huyết mắt: Bụi bẩn, dị ứng thời tiết hoặc tác nhân dị ứng khác cũng có thể gây ra tình trạng ngứa, nếu nặng có thể gây xung huyết mắt.
- Đau nhức, mỏi mắt: Rối loạn điều tiết mắt, tăng nhãn áp, thiếu ngủ, sử dụng thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài cũng có thể gây ra tình trạng đau và nhức mắt.
- Đỏ mắt: Là một dấu hiệu thường xuyên xảy ra vì có thể do dị ứng, mắt quá khô, bụi bay vào cũng có thể làm xuất hiện dấu hiệu này. Nhưng nếu có kèm các triệu chứng như nóng rát, gỉ mắt có màu, kéo dây, sưng mắt thì không được chủ quan.
- Mắt bị mờ: Nếu mắt không có bị tật cận thị, loạn thị thì việc bất ngờ mắt bị mờ là một dấu hiệu bất thường nguy hiểm, để không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ngay khi thấy dấu hiệu này xuất hiện hãy đến gặp bác sĩ ngay.
- Trong tầm nhìn xuất hiện vệt đen: Ngay khi thấy có dấu hiệu này hãy đến ngay cơ sở khám chữa bệnh vì đây là dấu hiệu cảnh báo võng mạc bị tổn thương như rách võng mạc, bong võng mạc,…
Tìm hiểu thêm: Phẫu thuật vách ngăn mũi giá bao nhiêu? Thời gian hồi phục sau phẫu thuật
Biện pháp bảo vệ và chăm sóc mắt
Đôi mắt tham gia vào hầu hết các hoạt động sống của con người, vì vậy đôi mắt phải thường xuyên chịu các tác động từ bên ngoài như ánh sáng, tia UV, khói bụi,… Vì vai trò quan trọng của đôi mắt, nên cần chăm sóc đôi mắt hằng ngày và chăm sóc đúng cách, cụ thể như:
- Khám mắt định kỳ: Đôi mắt cũng như các cơ quan khác của cơ thể, cần định thăm khám định kỳ để tầm soát bệnh và điều trị kịp thời khi phát hiện bất thường. Đặc biệt đối với người có tật cận thị, loạn thị hay bệnh lý nào khác về mắt thì cần lưu ý tái khám định kỳ mỗi 3 – 6 tháng.
- Chế độ dinh dưỡng: Cần bổ sung những thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất cần thiết và tốt cho mắt như omega-3, vitamin A, vitamin E, vitamin C,… Có thể bổ sung các dưỡng chất trên thông qua các loại thực phẩm như cà rốt, ớt chuông đỏ, trái cây họ cam quýt, cá hồi,…
- Uống đủ nước: Giúp giảm nguy cơ bị khô mắt.
- Đeo kính râm khi ra ngoài hoặc hoạt động ngoài trời.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài. Dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút trong thời gian làm việc có tiếp xúc với thiết bị điện tử.
- Hạn chế dùng tay dụi mắt, chạm vào mắt. Nếu có tiếp xúc vào mắt phải rửa tay thật sạch.
- Vệ sinh mắt sau khi đi từ ngoài về nhà.
- Tập các bài tập thể dục cho mắt.
>>>>>Xem thêm: Bị đau bụng trên rốn sau khi ăn: Nguyên nhân và giải pháp
Đôi mắt là một bộ phận rất quan trọng đối với cuộc sống sinh hoạt và làm việc của chúng ta, vì vậy hãy quan tâm và chú tâm đến những dấu hiệu cảnh báo mắt có vấn đề. Mong rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài sẽ giúp bạn hiểu thêm về các dấu hiệu mắt có vấn đề. Ngay khi thấy mắt có dấu hiệu bất thường hãy đến gặp bác sĩ ngay bạn nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm