Kháng sinh là những “chiến binh” dũng mãnh giúp cơ thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như vi khuẩn kháng thuốc, ảnh hưởng hệ miễn dịch,… Do đó, xu hướng tìm kiếm kháng sinh tự nhiên ngày càng phổ biến. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá về kháng sinh tự nhiên ở bài viết dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: 9 loại “kháng sinh tự nhiên” nên có mặt trong chế độ dinh dưỡng
Khái niệm kháng sinh tự nhiên đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng những người tìm kiếm những phương pháp hỗ trợ sức khỏe từ tự nhiên. Vậy thực chất kháng sinh tự nhiên là gì? Có những loại kháng sinh tự nhiên nào?
Kháng sinh tự nhiên là gì?
Hippocrates – ông tổ của ngành Y học đã từng nói: “Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn của bạn”. Và thậm chí sau nhiều thế kỷ, câu nói này vẫn còn nhiều giá trị.
Nhờ những tiến bộ mang tính cách mạng trong lĩnh vực y học, chúng ta có thể chống lại nhiều loại vi khuẩn và siêu vi khuẩn kháng thuốc khác nhau với sự trợ giúp của thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh quá mức sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể và có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Do đó, kháng sinh tự nhiên ngày càng được tìm kiếm và sử dụng.
Kháng sinh tự nhiên là một tập hợp đa dạng các chất tự nhiên có hoạt tính sinh học có thể tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các sinh vật sống khác. Ngược lại với thuốc kháng sinh hoá học, kháng sinh tự nhiên được tìm thấy trong thực vật. Một số loại cây sản sinh ra chất kháng khuẩn tự nhiên có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm và vi khuẩn. Chúng được xem như giải pháp an toàn, ít tác dụng phụ so với kháng sinh hóa học.
Một số loại kháng sinh tự nhiên phổ biến và tốt cho sức khỏe
Trên thực tế, trước đó tổ tiên của chúng ta đã sử dụng nhiều loại thực phẩm và thảo mộc khác nhau để bảo vệ sức khỏe, loại bỏ nhiễm trùng và ngăn chặn bệnh lây lan. Dưới đây là một số loại kháng sinh tự nhiên phổ biến và tốt cho sức khỏe:
Mật ong
Mật ong có tác dụng chống nhiễm trùng, giúp hình thành hàng rào bảo vệ và làm ẩm vết thương. Có nhiều yếu tố liên quan đến đặc tính kháng khuẩn của mật ong. Một trong những yếu tố đó là sự sản xuất tự nhiên của hydrogen peroxide. Tuy nhiên, mật ong Manuka – loại mật ong không chứa peroxide cũng có tác dụng kháng khuẩn đáng kể.
Trong môi trường y tế, mật ong có thể dùng để hỗ trợ:
- Lành thương sau phẫu thuật;
- Bệnh ngoài da, loét, bỏng và hoại tử;
- Những căn bệnh về mắt;
- Vấn đề về niêm mạc miệng (màng nhầy trong miệng).
Không có sự thống nhất về loại và nồng độ mật ong có thể có hiệu quả đối với một loại vết thương hoặc nhiễm trùng cụ thể. Và thực tế có rất nhiều tác nhân khiến mật ong bị nhiễm khuẩn. Do đó, không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống mật ong vì có nguy cơ bị ngộ độc. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bôi mật ong từ lọ lên vết thương.
Tỏi
Người ta đã sử dụng tỏi để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn trong nhiều thế kỷ. Các nghiên cứu cho thấy tỏi và các dẫn xuất của nó có hiệu quả chống lại vi khuẩn Salmonella, E. col và Staphylococcus aureus gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng. Và một số nghiên cứu cũng cho thấy tỏi có thể giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh nhiễm trùng tai do vi khuẩn.
Một số hợp chất trong tỏi có đặc tính kháng khuẩn, bao gồm allicin, ajoene và allyl sulfide. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu tỏi ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm bột, bột nhão, dầu và chiết xuất. Rõ ràng là tỏi có đặc tính kháng sinh và nói chung là an toàn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa quyết định về liều lượng hoặc cách tốt nhất để sử dụng tỏi như một chất thay thế kháng sinh. Thực phẩm bổ sung tỏi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc gây trở ngại cho một số loại thuốc. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ về việc lựa chọn tỏi như một kháng sinh tự nhiên.
Gừng
Ngoài các lợi ích sức khỏe khác, một số hợp chất trong gừng còn cung cấp phổ kháng khuẩn rộng giúp bảo vệ chống lại các vi sinh vật khác nhau. Gừng cũng có thể giúp bảo vệ chống lại vi khuẩn gây bệnh nha chu, nhiễm trùng E. coli và tụ cầu khuẩn.
Bạn có thể dùng gừng tươi, chiết xuất gừng, dầu và viên nang uống. Bạn cũng có thể bổ sung gừng trong thực phẩm và đồ uống như trà, nước trái cây, kẹo và viên ngậm. Tuy nhiên, không cho trẻ dưới 2 tuổi ăn gừng và người lớn nên tiêu thụ gừng ở mức 4 gram mỗi ngày hoặc 1 gram nếu đang mang thai.
Hoa cúc tím
Hoa cúc tím là một loài thực vật có hoa thân thảo lâu năm. Chiết xuất hoa cúc tím có đặc tính kháng khuẩn. Loài hoa này từ lâu đã được sử dụng để hỗ trợ điều trị vết thương và nhiễm trùng như nhiễm trùng tiểu. Nghiên cứu cho thấy cúc tím cũng có thể có hiệu quả chống lại vi khuẩn đường hô hấp.
Bạn có thể dùng hoa cúc tím dưới nhiều hình thức, bao gồm cả thuốc mỡ. Nó cũng thường được chế biến dưới dạng chiết xuất, cồn thuốc, viên nén và viên nang, thường được dùng ba lần một ngày trong thời gian không quá 10 ngày.
Một dược
Các hợp chất kháng sinh trong một dược có thể giúp hỗ trợ bảo vệ, chống lại một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và viêm nướu. Một nghiên cứu cho thấy một dược có thể hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh trichomonas (một bệnh lây truyền qua đường tình dục) mà các phương pháp điều trị khác không đáp ứng. Loại kháng sinh tự nhiên này cũng có thể giúp hỗ trợ để chống lại vi khuẩn gây bệnh Lyme.
Không giống như hầu hết các loại thuốc kháng sinh, một dược có thể hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn không phát triển. Nó cũng không gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về dược liệu này và hiện tại không có hướng dẫn rõ ràng về liều lượng và cách dùng.
Tìm hiểu thêm: Bị sỏi thận nên ăn gì? Xây dựng thực đơn dinh dưỡng
Xạ hương
Cỏ xạ hương có thể bảo vệ chống lại các vi khuẩn như E. coli, Listeria monocytogenes, Pseudomonas putida, S. aureus, methicillin-resistant S. aureus (MRSA). Cỏ xạ hương có thể được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác định các phương pháp thực hành tốt nhất. Không có hướng dẫn về liều lượng cho việc bổ sung cỏ xạ hương hoặc dùng cỏ xạ hương như một loại thuốc kháng sinh. Nhưng đây là một thực phẩm lành mạnh cho chế độ ăn uống cân bằng.
Bìm bịp vàng
Các hợp chất hoạt tính sinh học trong thảo dược bìm bịp vàng có đặc tính kháng khuẩn. Một số người sử dụng bìm bịp vàng để hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa và các bệnh về da. Nghiên cứu cho thấy rằng bìm bịp vàng có thể giúp hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiểu bằng cách ngăn chặn vi khuẩn bám vào thành bàng quang.
Nghiên cứu về lợi ích sức khỏe và rủi ro của bìm bịp vàng ở người còn hạn chế. Tuy nhiên, thảo dược này thường có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung, nhưng vẫn còn thiếu nhiều bằng chứng khoa học hướng dẫn việc sử dụng bìm bịp vàng cho bất kỳ mục đích nào liên quan đến sức khỏe.
Kinh giới
Nghiên cứu cho thấy dầu kinh giới có tác dụng kháng sinh, có thể là do một hợp chất gọi là carvacrol. Một nghiên cứu chỉ ra rằng dầu kinh giới có thể có hiệu quả chống lại Streptococcus mutans – một loại vi khuẩn dẫn đến sâu răng.
Bạn có thể thêm lá kinh giới tươi hoặc khô vào thực phẩm. Nó cũng thường được sử dụng dưới dạng thực phẩm bổ sung hoặc tinh dầu. Vẫn còn thiếu bằng chứng khoa học về các loại lá kinh giới cụ thể hoặc cách sử dụng đặc tính kháng sinh của lá kinh giới.
Đinh hương
Trong tinh dầu đinh hương, một hợp chất gọi là eugenol có tác dụng kháng khuẩn. Nghiên cứu cho thấy eugenol có hiệu quả chống lại S.aureus và E. coli. Các chất thay thế kháng sinh có thể sử dụng đinh hương trong tương lai, nhưng cần có những nghiên cứu cụ thể hơn trên con người. Không có đủ thông tin về cách sử dụng đinh hương cho mục đích kháng khuẩn.
Rủi ro của kháng sinh tự nhiên
Ngay cả các sản phẩm tự nhiên cũng có thể gây hại, đặc biệt khi dùng liều cao, dùng quá lâu hoặc ở những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nhất định. Chúng có thể tạo ra tác dụng phụ và ảnh hưởng đến các chất bổ sung hoặc thuốc khác.
Do đó, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Đối tượng không nên sử dụng kháng sinh tự nhiên
Kháng sinh tự nhiên không phù hợp với tất cả mọi người. Các chuyên gia sẽ có thể tư vấn cho bạn về những rủi ro của các biện pháp tự nhiên, đặc biệt nếu bạn:
- Đang mang thai hoặc cho con bú.
- Dùng bất kỳ loại thuốc nào thường xuyên, đặc biệt là thuốc làm loãng máu và thuốc tim.
- Đang xem xét các biện pháp tự nhiên cho con bạn.
Trước khi bạn sử dụng biện pháp tự nhiên để hỗ trợ điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn như cảm lạnh, ho, sức khỏe đường ruột và hơn thế nữa, hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Họ có thể giúp bạn cân nhắc những ưu và nhược điểm cũng như hạn chế những rủi ro đối với sức khỏe của bạn.
>>>>>Xem thêm: Phụ nữ mang thai có cơn gò như thế nào thì nhập viện?
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu về kháng sinh tự nhiên. Kháng sinh tự nhiên là lựa chọn an toàn và hiệu quả để hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm trùng. Hãy sử dụng thông minh và kết hợp với lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm