Những vết bớt đen có thể xuất hiện tại bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Nếu xuất hiện ở những vùng da hở, vết bớt gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người mang bớt. Vậy có thể xóa bớt đen bẩm sinh không?
Bạn đang đọc: Có thể xóa bớt đen bẩm sinh không? Cách xóa như thế nào?
Bớt đen bẩm sinh là loại bớt sắc tố khá thường gặp. Những vết bớt này có thể xuất hiện khi trẻ còn nhỏ, với màu sắc nhạt. Khi trẻ lớn dần lên, vết bớt cũng đen đậm dần và lớn dần về kích thước. Không cần bàn cãi những vết bớt này ảnh hưởng đến thẩm mỹ như thế nào. Khi xuất hiện ở những vùng da hở, nhất là trên khuôn mặt, vết bớt còn gây cảm giác tự ti, ảnh hưởng đến tâm lý và khiến người mang bớt mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống. Đây là lý do nhiều người muốn tìm cách xóa bớt đen bẩm sinh.
Thế nào là vết bớt đen bẩm sinh?
Bớt ở trẻ sơ sinh là một vùng da có màu sắc khác thường, nổi bật hẳn và rất dễ phân biệt với các vùng da xung quanh. Những vết bớt này có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ chào đời hoặc sau sinh vài tuần. Những vết bớt xuất hiện sau sinh một thời gian dài không được gọi là bớt bẩm sinh. Bớt bẩm sinh có thể có nhiều màu sắc khác nhau từ màu xanh xám, màu đỏ, màu hồng hoặc màu đen. Hầu hết bớt bẩm sinh đều là lành tính. Nguyên nhân dẫn đến hình thành vết bớt đen bẩm sinh là do rối loạn về gen tại chỗ làm tăng sinh tế bào hắc tố.
Các vết bớt đen bẩm sinh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể chúng ta, từ thân mình cho đến khuôn mặt. Chúng có thể có hình dạng, kích thước khác nhau ở mỗi người. Đặc điểm và cường độ đậm nhạt của vết bớt có thể thay đổi theo thời gian. Có những vết bớt đen mờ dần nhưng cũng có những vết bớt ngày càng lan rộng, đậm màu hơn. Chỉ một phần rất nhỏ trong số những vết bớt đen là ác tính. Vì vậy, xóa bớt đen bẩm sinh chủ yếu là vì mục đích thẩm mỹ chứ không phải vì bệnh lý.
Đặc điểm của bớt đen bẩm sinh
Bớt đen bẩm sinh còn gọi là chàm đen bẩm sinh, bớt sắc tố đen bẩm sinh, bớt đen, u hắc tố,… Những bớt đen này có những đặc điểm như:
- Bớt đen có màu sắc thường gặp là nâu đen, nâu đậm, đen đậm, xám đen. Màu sắc của bớt đen ở mỗi người có thể khác nhau. Thậm chí nếu cùng một người nhưng có nhiều bớt đen thì màu sắc của chúng cũng có thể khác nhau.
- Trên một cơ thể có thể có một hoặc nhiều bớt đen. Các bớt đen này có thể tập trung ở một vùng hoặc phân tán rải rác ở nhiều vị trí khác nhau.
- Kích thước các vết bớt đen có thể từ 2mm đến vài chục cm. Những vết bớt đen có kích thước đường kính hơn 20cm được gọi là bớt đen bẩm sinh khổng lồ. Khi trẻ mới sinh ra, những vết bớt này có thể có kích thước nhỏ. Nhưng theo thời gian, những vết bớt có thể lớn dần lên.
- Cũng có những trường hợp xuất hiện một vết bớt lớn, sau đó có những vết bớt nhỏ xung quanh gọi là dạng tổn thương vệ tinh.
- Có thể dễ dàng nhận thấy bề mặt của những vết bớt gồ cao hơn hẳn so với bề mặt da bình thường, sờ tay lên thấy sần sùi. Khi kích thước bớt lan rộng thì bề mặt cũng sẽ nổi cao hơn.
- Một số vết bớt đen bẩm sinh có lông, một số bớt không có lông.
- Hầu hết bớt đen bẩm sinh không di truyền. Nhưng vẫn có trường hợp bớt đen có tính chất gia đình. Theo thống kê, tỷ lệ người có bớt đen sẽ cao hơn bình thường trong những gia đình có người bị bớt.
Tìm hiểu thêm: Cách tăng tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết
Bớt đen bẩm sinh có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Trong hầu hết các trường hợp bớt sắc tố nói chung và bớt đen nói riêng, vết bớt đều là lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng hay ảnh hưởng đến sức khỏe người mang bớt. Có rất ít trường hợp vết bớt liên quan đến ung thư da, ung thư hắc tố. Theo các bác sĩ, những vết bớt đen khổng lồ kích thước càng lớn, để càng lâu mới càng đáng lo ngại.
Ngoài ra, không phải bớt đen mà những loại bớt sau đây mới đáng để chúng ta lưu tâm:
- Các vết bớt có hình thành mạch máu hay còn gọi là u máu hang: Trong trường hợp này, nếu các tiểu động mạch giãn nở, thành chùm, búi, gồ lên mặt da sẽ tạo thành các u máu phồng hay u máu hang. Các u này nếu bị trầy xước có thể gây chảy máu ở các mức độ khác nhau, từ âm ỉ đến ồ ạt và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn cực nguy hiểm.
- Vết bớt có màu cà phê sữa: Thông thường, loại bớt này có hình bầu dục, cũng xuất hiện ngay khi trẻ vừa chào đời hoặc sau đó vài tuần. Trẻ có trên cơ thể từ 4 vết bớt loại này có thể là dấu hiệu cảnh báo u xơ thần kinh. U xơ thần kinh hầu hết do di truyền và nhiều trường hợp không gây hại. Nhưng nếu các u này chèn ép mô thần kinh hoặc chèn ép các mô khác có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Vết bớt rượu vang đỏ hoặc tím: Thường xuất hiện trên mặt trẻ sơ sinh hoặc các bộ phận khác xuất hiện do có sự rò rỉ mạch máu. Theo thống kê, có khoảng 10% trẻ có vết bớt này ở mí mắt và cần được theo dõi, nhất là trong trường hợp được chẩn đoán có bất thường ở não.
>>>>>Xem thêm: Niềng răng mắc cài 3M có mấy loại? Cần chú ý gì khi niềng răng?
Bớt đen bẩm sinh có tự khỏi không? Điều trị thế nào?
Bớt đen bẩm sinh không thể tự khỏi, cũng không có loại kem bôi hay mỹ phẩm nào có tác dụng loại bỏ vết bớt đen. Nếu càng để lâu, các vết bớt này sẽ càng lan rộng, gồ lên cao hơn, màu sắc đậm hơn và có nhiều lông mọc trên bề mặt hơn. Cách xóa bớt đen bẩm sinh triệt để nhất, không tái phát, hiệu quả cao nhất chính là phẫu thuật loại bỏ vết bớt.
Ở những vết bớt này, tế bào u rất lớn và nằm rất sâu dưới da nên chỉ có phẫu thuật cắt bỏ mới giúp loại bỏ toàn bộ tế bào hắc tố. Phẫu thuật thẩm mỹ cũng hạn chế đáng kể nguy cơ hình thành các loại sẹo sau khi loại bỏ vết bớt. Tùy kích thước, vị trí của vết bớt, các chuyên gia thẩm mỹ sẽ quyết định cắt bỏ một lần hay nhiều lần.
Bớt đen bẩm sinh gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, cuộc sống của người mang bớt. Việc xóa bớt đen bẩm sinh bằng phương pháp phẫu thuật càng được tiến hành sớm, khi vết bớt chưa lan rộng càng có hiệu quả cao và ít nguy cơ bị sẹo. Vì vậy, nếu có bớt đen, tốt nhất người mang bớt nên được đi khám sớm và điều trị kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm